Người tiêu dùng lo lắng giá bán lẻ gạo tại Hà Nội tăng

Giá gạo xuất khẩu tại các "vựa lúa" châu Á tiếp tục nới rộng đà tăng trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu gạo gần đây của quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ tiếp tục làm dấy lên lo ngại về nguồn cung mặt hàng lương thực thiết yếu này trên toàn cầu.

Ở trong nước, giá gạo cũng liên tục tăng từng ngày.

 

Do ảnh hưởng biến động của giá gạo thế giới, chỉ trong vòng một tuần trở lại đây, giá gạo tám thơm Hải Hậu, gạo nếp nương, gạo tám Điện Biên tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội tăng ít nhất từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Dù giá gạo liên tục tăng nhẹ song lượng gạo bán ra mỗi ngày vẫn không giảm mà ngược lại còn nhiều hơn trước. Một số chủ cửa hàng gạo tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết:

"Thời điểm này, giá gạo mỗi ngày mỗi khác, gạo đang đắt lên rồi, nhập tăng thì bán cũng phải đắt lên..."

"Giá gạo biến động tăng, có khi tăng theo ngày".

Theo các tiểu thương, tất cả các loại gạo đều tăng giá trong vài tuần gần đây. Một số loại gạo còn thay đổi giá liên tục theo ngày, thậm chí theo giờ. Về phía người tiêu dùng, nhiều người tiêu dùng không khỏi lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Hiền, một khách hàng ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Giá gạo cũng chưa tăng quá cao, cũng chỉ 1000-2000 đồng thôi, gia đình đã mua ít gạo dự trữ, cũng lo lắng gia gạo tăng ảnh hưởng đến các mặt hàng khác cũng leo thang. Tôi nghĩ cần tổ chức thật tốt khâu phân phối, lưu thông gạo ở trong nước để tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng..."

Tại các hệ thống siêu thị, hiện nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo vẫn bình ổn. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động làm việc với nhà cung cấp để nâng tỷ lệ dự trữ gạo.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM Saigon Co.op cho biết: "Chúng tôi làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo lượng cung ứng cho thị trường với mức giá phù hợp nhất trong từng thời điểm khác nhau".

Giá gạo xuất khẩu tăng cao, dẫn tới tại một số địa phương xuất hiện hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý.

Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Mục tiêu, giải pháp chính là đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường gạo Việt Nam, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý.