Người tập thể dục ở công viên nói gì sau vụ nhánh cây rơi khiến 5 người thương vong

Vừa qua vào ngày 9/8 xảy ra vụ tai nạn thương tâm tại công viên Tao Đàn, quận 1, TP.HCM, một nhánh cây cổ thụ rơi trúng nhóm 5 người đang tập thể dục sáng. Hậu quả 2 người chết, 3 người bị thương nhập viện.

Câu chuyện này cũng khiến biết bao người ngày ngày ra công viên tập thể dục giật mình, lo lắng khi các công viên nhiều cây cổ thụ 100 năm đã bắt đầu đến tuổi già cỗi, nguy cơ gãy đổ cao trong thời gian mùa mưa, bão ở khu vực Nam Bộ.

"Sợ thì có sợ đó nhưng giờ thế giới nhiễu nhương, không chết cái này thì cũng chết vì cái khác, sống chết có số không thể vì vậy mà không ra công viên".

"Sợ thì sợ chứ, nhiều khi thấy gió thì mình trốn vào chỗ nào chứ rớt một cái là chết".

Sau vụ tai nạn nhánh cây rơi đổ làm 2 người chết và 3 người bị thương ở công viên Tao Đàn, dù nhiều người dân có tâm lý dao động, một chút lo lắng nhưng vẫn đến công viên để tập thể dục. Dạo quanh một số công viên có nhiều cổ thụ như Gia Định, Tao Đàn, Lê Văn Tám, PV ghi nhận người dân vẫn đến đây tập luyện thể thao.

Nhiều người dân bày tỏ chút lo ngại, nhưng tâm lý đa số cho rằng cần cẩn thận lúc trời mưa gió, còn chuyện đến công viên tập thể thao không gì ngăn cản đam mê. Với họ, sống chết có số và những tai nạn như cây đổ vừa rồi xác suất rất thấp để xảy ra. 

Bà Nguyễn Xuân Lan (Phú Nhuận) thường đến công viên tập thể dục và thường ngồi dưới tán cây để nghỉ mát. Bà Lan cho đọc báo biết vụ rơi cây khiến 2 người chết và 3 người bị thương, chuyện đau lòng nhưng bà cho rằng chuyện xui rủi, không thể nào loại trừ hết 100 % được.

“Đâu phải chuyện này mới xảy ra đâu, có những cây ở trong trường học đổ đè trẻ con chết, trường đó cũng kêu công viên cây xanh kiểm tra. Nhưng đến lúc bị thì bị thôi chứ thật ra khám bệnh cho một con người dùng biết bao nhiêu máy móc, có lẽ khám cho cây chưa có thiết bị hiện đại nào nên những sự kiện đau lòng nó vẫn cứ xảy ra”. 

Trong khi đó, ông Dương Hồng Nam (53 tuổi, ngụ Phú Nhuận) cho hay ông từng là người thoát tai nạn bị nhánh cây đè trong công viên. Rất may lần đó ông Nam né kịp, nhánh cây nhỏ nên không xảy ra xây xát gì. Song, khi nghe tin có vụ tai nạn đau lòng vừa qua, ông Nam cũng sợ vì đang thời điểm mùa mưa gió nhiều.

“Thấy cũng tội, mưa gió không thể biết được. Đến mùa mưa này rồi những người bên cây xanh cũng cắt, tỉa nhưng nhiều khi nhánh cây mục khó biết rồi tập thể dục ở đây thấy cũng sợ. Giờ ở đây chỉ sợ nhiều lúc gió, nếu tập thấy mưa gió, giông bão mình kiếm chỗ nào núp vô chứ nguy hiểm, cây cối làm sao biết được”. 

Sau vụ tai nạn nhánh cây rơi đổ làm 2 người chết và 3 người bị thương ở công viên Tao Đàn, dù nhiều người dân có tâm lý dao động, một chút lo lắng nhưng vẫn đến công viên để tập thể dục

Mặc dù có thể xét nhiều yếu tố mang tính bất khả kháng như mưa, bão thiên tai, nhưng lần này thời điểm xảy ra tai nạn không hề có yếu tố mang tính thời tiết. Theo quan điểm của LS Lê Trung Phát, hãng Luật Lê Trung Phát, phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, đơn vị quản lý cây xanh là Trung tâm quản lý hạ tầng thuộc Sở xây dựng TP.HCM.

Vì đơn vị này có vai trò đưa ra những ý kiến tham mưu giúp cho việc quản lý hạ tầng tốt hơn mà cụ thể ở đây là cây xanh. Nhưng nếu có sự lơ là dẫn đến các đơn vị cấp dưới buông lỏng quản lý gây ra hậu quả nghiêm trọng. Và với sự việc đã xảy ra hậu quả quá lớn, người dân cũng cần cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

“Trong quá trình điều tra làm rõ, người ta thấy rằng  có sự buông lỏng của những người quản lý trực tiếp hay quản lý cấp trên dẫn đến hậu quả đáng tiếc; như vậy lúc đó cơ quan công an sẽ tiến hành khởi tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp này thiệt hại gây ra không phải là vật chất mà thiệt hại đó là tính mạng con người”, LS Lê Trung Phát cho biết.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở xây dựng TP.HCM qua vụ việc này sẽ tổng kiểm tra rà soát và có những kế hoạch tăng cường phương tiện để đảm bảo an toàn cây xanh: “Sở Xây dựng hằng năm đều ban hành kế hoạch và tổng kiểm tra, rà soát các cái cây xanh trên địa bàn thành phố. Và ngay quý 3 này, các đơn vị cũng có  kế hoạch chăm sóc, kiểm tra, tỉa nhánh, tỉa cành hoặc là đốn hạ những cây không đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, sự cố xảy ra đó là điều không mong muốn chúng tôi sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra, có thể là trang bị các cái phương tiện để  tìm ra bệnh ở bên trong  thân cây, để làm sao hạn chế thấp nhất tai nạn cho người dân trên địa bàn thành phố”.

Thống kê từ năm 2017, đã có ít nhất 5 người chết vì cây đè trên địa bàn TP.HCM, có vụ là bất khả kháng do thiên tai, có vụ thì không. Các cơ quan chức năng thì vẫn đang kiếm tìm giải pháp để giảm bớt những rủi ro tiềm tàng, hy vọng hình ảnh người dân ngày ngày ra công viên tập thể dục, vui chơi dưới tán cây xanh trong lành. Thành phố văn nh - nghĩa tình  trước tiên phải là nơi an toàn cho người dân.