Người say rượu bia có thể bị cấm lên máy bay

Đó là nội dung quy định tại Thông tư của Bộ GTVT, quy định chi tiết chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không có hiệu lực từ ngày 1/6/2019.

Hành khách say rượu có thể gây mất an ninh, ảnh hưởng tới an toàn chuyến bay

Tình trạng say rượu của hành khách khi đi máy bay đã và đang diễn ra với rất nhiều hãng bay. Cuối năm 2015, một hành khách ngụ tại TP.HCM trong quá trình làm thủ tục lên máy bay từ Vinh - TP.HCM đã nói trong hành lý có bom vì... say rượu, mất kiểm soát hành vi. Trước đó, năm 2014, trên chuyến bay VN195 từ Cam Ranh (Nha Trang) đi Hà Nội, khi lên máy bay, một hành khách có biểu hiện say rượu, không chấp hành hướng dẫn của tiếp viên, thậm chí còn gây gổ với hành khách ngồi cạnh. 

Những khách đã say rượu lên máy bay gây rối đã khiến an ninh, an toàn chuyến bay bị đe dọa; và vấn nạn này cũng gây nhiều khó khăn cho xử lý, chưa kể tốn thời gian để nhân viên an ninh đưa khách xuống, công tác sắp xếp hành lý... Do vậy, trước thông tin cấm người say rượu, bia lên máy bay, rất nhiều người đã tỏ ra đồng tình, ủng hộ.

Điều 58, Thông tư 13/2019 của Bộ GTVT, quy định về kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với hành khách bị mất khả năng làm chủ hành vi ghi rõ: “Không chấp nhận chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích”. 

>>> Hàng không đau đầu đối phó với phi công “bợm nhậu” 

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, vấn đề này cần phải được quy định một cách chặt chẽ và cụ thể hơn. Bởi trên thực tế, các hãng hàng không không thể đo nồng độ cồn như cảnh sát giao thông.

Và, thông tư cũng chưa nói rõ, như thế nào thì được xem là hành vi mất kiểm soát do sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích; đồng thời, cần phải xem xét đến việc cấm bán và sử dụng rượu, bia trong khu vực chờ cũng như phương án xử lý khi hành khách đã mua vé máy bay nhưng lại có dấu hiệu say xỉn.

Trên thực tế, có những người chỉ uống một ít rượu đã say, nhưng nồng độ cồn lại không đạt mức để cấm lên máy bay, trong khi nhiều người có nồng độ cồn cao nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo. Điều này cũng sẽ tạo ra những lúng túng khi xử lý. 

Dù đồng tình với chủ trương của Bộ GTVT, song tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên Đại học Việt-Nhật cũng cho rằng nếu nhưng không được truyền thông đầy đủ đến người dân về các quy định này thì dễ gây ra thiệt hại cho hành khách cũng như sự bất bình với người dân: Khi đưa ra quy định thì cũng phải có tiêu chuẩn rõ ràng, nếu không thì sẽ gây thiệt hại lớn cho khách hàng, không dễ gì khách hàng chấp nhận. Khi đó, phải có lực lượng thực thi. Và một khi đưa ra quy định đó thì phải thông báo rõ ràng đến mọi hành khách đi máy bay, tránh trường hợp không biết mà vi phạm, dẫn đến sự bất bình lớn với khách hàng. 

Không ít ý kiến cho rằng, vấn đề này cần phải được quy định một cách chặt chẽ và cụ thể hơn

Trong khi đó, LS Nguyễn Văn Hậu cũng đưa ra những góp ý bổ sung để cụ thể hóa nội dung thông tư này:

Để xử lý hành vi vi phạm phải định lượng cụ thể. Và nếu tái phạm có thể cấm bay thời hạn nhất định. Phải giao thẩm quyền cho người chỉ huy chuyên cơ, có kỹ thuật đo, có chế tài với hành khách có hành vi không phù hợp. 

Trả lời báo chí, đại diện Cục Hàng không, Bộ GTVT - cơ quan tham gia soạn thảo Thông tư 13, cho biết việc quy định nhóm hành khách bị cấm bay căn cứ theo Nghị định 92/2015 của Chính phủ.

Theo đó, Cục trưởng Cục Hàng không sẽ căn cứ hành vi vi phạm của hành khách, có thể áp dụng cấm chuyên chở với những khách có hành vi gây rối, gây mất an toàn, an ninh hàng không. Quy định này cũng theo thông lệ quốc tế, được nhiều nước áp dụng. Việc kiểm tra, giám sát và từ chối vận chuyển được trao quyền cho các hãng hàng không và cảng hàng không căn cứ trên 2 yếu tố: an toàn và an ninh. An toàn là không đủ sức khỏe để lên máy bay; và an ninh là người có biểu hiện say rượu không kiểm soát được hành vi, có nguy cơ gây rối, gây mất an ninh, thậm chí tấn công người khác trên máy bay. Những nguy cơ này khi làm thủ tục lên máy bay, nhân viên của hãng và nhân viên an ninh đều có thể kiểm tra, xác định với những người say xỉn mất khả năng làm chủ hành vi, như đi không vững, nói năng mất tự chủ...

Còn thông tư không quy định chính xác nồng độ cồn bị cấm lên máy bay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và đông đảo người dân, cần có những quy trình xử lý, thông tin cụ thể được chuyển tải tới người dân, và đặc biệt là hành khách trên các chuyến bay để tránh gây những bức xúc, phiền hà và thiệt hại không đáng có với khách hàng, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận tiện để cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ, bảo đảm an toàn, an ninh hàng không.