Người Mường ở Hòa Bình đón Tết

Mỗi độ Xuân về, cũng giống như 54 dân tộc anh em trên cả nước, người Mường ở Hoà Bình có phong tục đón tết – mừng xuân mới rất độc đáo và vui vẻ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Cứ vào mỗi dịp cuối năm âm lịch, người Mường ở Hoà Bình lại tất bật chuẩn bị đón tết. Tết của người Mường cũng trùng với tết của người Kinh.

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là người Mường có tục “ngày lui tháng tới”.

Có nghĩa, so với lịch thông thường, lịch đón Tết của người Mường Hoà Bình chậm hơn người Kinh ngày. Bởi vậy, ngày mùng 1 tết của người Kinh mới chỉ là ngày 30 Tết của người Mường. Tuy nhiên hiện nay người Mường vẫn tổ chức đón giao thừa vào đêm 30 Tết cùng với cả nước.

 Đối với người Mường, tết là dịp lễ hội lớn nhất và vui nhất trong năm. Bởi vậy người Mường chuẩn bị đón tết rất chu đáo và công phu.

Tết là dịp lễ hội lớn nhất trong năm đối với người Mường

Công việc đầu tiên để chuẩn bị đón tết là trang hoàng lại nhà cửa và sắm sửa thêm vật dụng mới. Nhà của người Mường là nhà sàn bằng gỗ, nên việc sửa sang trang hoàng lại nhà cửa vào mỗi dịp tết đến là điều rất cần thiết, bởi nó làm cho căn nhà đẹp hơn, phong quang hơn.

Và điều không thể thiếu khi trang hoàng lại nhà cửa là dựng cây nêu. Người ta chọn một cây lành hanh, cây hóp, hoặc cây trúc còn tươi thật đẹp, róc bớt cành lá phần dưới, để lại phần lá xanh trên ngọn.

Cây nêu được đem dựng trước cổng nhà, đây là một trong những nghi lễ không thể thiếu của người Mường.

Ông Bùi Văn Thực ở phường Thái Bình, thành phố Hoà Bình cho biết: Tục cắm cây nêu ngày tết như một lá cờ cắm để giữ nhà mình, giữ cửa nhà mình. Trước cửa có một cây nêu cao hơn, cửa vào một cái, nếu có thổ công thì cắm một cái, tất cả tà ma không được xâm nhập. Còn mộ các cụ dọn xong cũng cắm một cây nêu, ý nói rằng đây là ông bà nhà tôi.

Trước đây để đón tết, gia đình nào cũng phải chuẩn bị sẵn một con lợn. Nhiều gia đình nuôi từ đầu năm, khi đem làm tết có chú lợn nặng cả tạ.

Đối với người Mường Hoà Bình, ngày giết lợn để làm tết là một trong những ngày vui trong năm. Từ 20 tháng chạp trở ra, hầu hết các gia đình tổ chức thịt lợn. Vào ngày này những người thân của gia đình được mời đến để chung vui.

Lợn thịt ra những phần ngon nhất được giành riêng để biếu ông bà, cha mẹ đôi bên và những người thân, những người có công ơn đối với gia đình… Phần còn lại được giành để làm tết và liên hoan ngay hôm thịt lợn.

Cũng giống như người Kinh và các dân tộc anh em trong cả nước, trong mâm cỗ tết cúng thần linh, tổ tiên, ông bà của người Mường không thể thiếu món bánh chưng và xôi nếp.

Trong năm, những mảnh ruộng, mảnh nương tốt nhất được giành cấy lúa nếp cho việc gói bánh chưng và đồ xôi trong ngày tết.

Người Mường gói cả hai loại bánh chưng: bánh vuông và bánh ống – giống như bánh tét của đồng bào Nam Bộ, nhân bánh cũng giống như bánh của người ền xuôi. Bánh chưng thường được gói và luộc cùng với hôm thịt lợn.

Một phần không thể thiếu để mang lại không khí tết truyền thống đó là tiếng cồng chiêng - Nét văn hóa độc đáo và đậm đà bản sắc của người Mường.

Trong ngày tết, khắp các bản xa, làng gần tiếng chiêng sắc bùa lại vang lên, ngân nga reo vui suốt 3 ngày tết. Từng đoàn cụ ông, cụ bà và các nam thanh nữ tú, chiêng cầm trên tay, gióng lên tiếng chiêng sắc bùa quyến rũ, đi đến từng nhà để chúc mừng năm mới.

Tiếng chiêng thay lời người cất lên rằng: Năm mới chúc bố mế và gia đình mạnh khỏe, con cháu đầy đàn, làm ăn phát đạt, thóc lúa đầy bồ, trâu bò gà lợn đầy sân đầy vườn…

Ông Bùi Văn Huyến ở phường Thái Bình, thành phố Hoà Bình tâm sự về phong tục đẹp này: Đầu năm muốn cho phần tâm linh của mình khoẻ khoắn, cường tráng, ra đường khoẻ mạnh, công thành danh toại, mà mọi người trong kinh, trong mường người ta kính nể, không hay ốm yếu, tóm lại là như thế. Về phần tâm linh nó khoẻ khoắn về tâm linh, cường tráng về tinh thần nên người ta làm cái vía này.

Cầu cúng là một phong tục độc đáo của người Mường. Ngày Tết, người ta cúng để cầu đất trời thần linh phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, làng bản yên bình, cửa nhà mát mẻ, gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, con cháu làm ăn tấn tới phúc lộc đầy nhà.

Ngày Tết, cũng là lúc người Mường bày tỏ sự biết ơn đối với những người đã khuất, do đó, những mâm cỗ cúng ngày Tết bao giờ cũng được chuẩn bị chu đáo và rất cẩn thận.

Ông Bùi Văn Ểu – xã Phong Phú, Tân Lạc cho biết: Đầu năm mới, gia đình đứng chủ tổ chức thịt lợn, gói bánh chưng, cá đồ, cá nước để cúng các vụ về ăn tết theo phong tục của người Mường. Tục cúng ở đây mỗi cặp vợ chồng khi mất đi phải xếp 1 mâm, mâm đầu tiên là của chủ nhà, mâm thứ 2 là đến ông bà nội, mâm thứ 3 là ông bà ngoại, mâm thứ 4 trở đi là bậc cụ, kỵ, có nhà tới 10 mâm…

Trong ngày Tết, người Mường có nhiều Hội vui. Mà vui nhất khi chơi hội là trò ném còn, ném còn cũng thể hiện sự khéo léo của mỗi người.

Cột còn bằng cây tre cao cả chục mét với 1 vòng tròn nhỏ ở trên đỉnh, được dựng ở sân làng hoặc bãi đất rộng. Hai đội thi đấu ở 2 phía đối diện, tung quả còn qua vòng tròn nhỏ trên đỉnh cột. Đội nào tung trúng nhiều lần là đội thắng cuộc.

Hát đối cũng là một nét văn hóa độc đáo trong Hội vui ngày tết của người Mường. Ở một khía cạnh nào đấy, hát đối gần giống Quan họ Bắc Ninh, với các làn điệu khác nhau, với lối hát đối đáp ví von của 2 đội.

Ngày thường họ cũng hát đối trong những lúc lao động ngoài ruộng đồng cho bớt mệt mỏi, vào ngày tết những câu hát đối lại mang ý nghĩa chào đón năm mới.

 Hát xong, cả người thắng và kẻ thua đều cùng nhau chung vui bên vò rượu cần, người thắng có quyền chuốc rượu cho kẻ thua.

Để rồi cả người thắng và kẻ thua cùng vui ngây ngất men say bên vò rượi cần ngày xuân.

Gắn bó suốt cuộc đời mỗi con người và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phong tục đón tết của người Mường Hòa Bình đã tạo ra một không gian văn hóa độc đáo và đặc sắc.

Phong tục đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đó vẫn luôn được gìn giữ và bồi đắp bởi chính mỗi người dân đất Mường, để nó sẽ mãi tỏa hương, khoe sắc.