Người khuyết tật khó tiếp cận nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Hàng vạn người dân Thủ đô đã trải nghiệm đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông trong hai ngày cuối tuần vừa qua, với ghi nhận bước đầu khá tích cực. Tuy nhiên, với hạ tầng hiện tại, người khuyết tật vận động và người khiếm khị không dễ để tiếp cận nhà ga và

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Xe máy chắn ngang lối vào đường xe lăn (Ảnh: Khu vực nhà ga La Khê, đường Qung Trung, Hà Đông)

Vừa trải nghiệm đi đường sắt trên cao, chị Lương Minh Tâm, làm việc cho một tổ chức về người khuyết tật nhận thấy: Trên tàu có bố trí biển hiệu, âm thanh và các khu vực dành riêng cho người khuyết tật, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ:

"Đi lên tầng 1 cũng dễ dàng và đi vào khu mua vé cũng thuận tiện, nhưng khu mua vé hiện nay hơi cao so với đi xe lăn. Khu vệ sinh có nhà vệ sinh tiếp cận nhưng khóa cửa. Ở tầng 2 có điểm dành cho người khuyết tật, khoảng cách giữa tàu và đường đi có khoảng trống nếu người đi xe lăn có thể đi được nhưng cần lưu ý cho người đi nạng và mù. Ở đó có 1 cái gờ nhỏ khoảng 3-5 cm, về cơ bản người đi xe lăn được đi nhưng hơi bất tiện khi đang đi thẳng gặp cái gờ đó".

Ở hầu hết các khu vực xung quanh nhà ga, chưa bố trí các làn đường, biển báo dành riêng cho người khiếm thị. Thang máy cho người khuyết tật cũng thuần túy là thang thương mại, chưa phải thang chuyên dụng với thiết kế dành riêng.

Đặc biệt, để đến được chân các nhà ga của đường sắt Cát Linh Hà Đông, nhiều đoạn rất khó.

Suốt từ số nhà 467 đến 481 Quang Trung không có lối lên xuống dành cho xe lăn (Ảnh: Khu vực nhà ga La Khê, đường Qung Trung, Hà Đông)

Theo khảo sát của phóng viên VOVGT vào sáng nay ngày 8/11, khu vực ga Văn Quán, lối lên xuống khá hẹp, vỉa hè khu vực bên trong cầu thang lên nhà ga đang bị nhiều ô tô chiếm dụng. Bác Nguyễn Văn Hùng, một người dân tại đây, nhận xét:

"Bậc này, nếu người khuyết tật muốn đi cần phải hỗ trợ, người đi xe lăn sẽ không lên được. Các ô tô cũng nên dẹp đi vì nó vướng vỉa hè bên trong".

Tại vỉa hè chân ga La Khê, đường dành cho xe lăn được thiết kế với vòng cua khá gấp, chưa kể ngay trước lối vào đang còn vướng tủ điện, rất khó cho người đi xe lăn tiếp cận thang máy

Ở phía đối diện, đoạn vỉa hè từ số nhà 467 đến số nhà 481 phố Quang Trung không có bất cứ một lối lên xuống nào dành cho người khuyết tật. Vỉa hè cũng bị chiếm dụng làm chỗ để xe máy, chỉ còn chừa lối đi rộng khoảng 1m, rất khó cho xe lăn lách qua. Chưa kể, lối dẫn vào đường xe lăn và khu vực thang máy dành cho người khuyết tật cũng bị xe máy chắn ngang. Bác Hà Đăng Tạo, ở Mỹ Đức, Hà Nội cho rằng:

"Các xe máy không nên để đây để không vướng lối lên xuống của người khuyết tật. Lối lên xuống vướng, xe buýt bố trí ở đây, bà con lên xuống khó. Bến xe buýt không nên bố trí tại ngay lối lên xuống của người dân".

Khu vực lối vào đường xe lăn trước số nhà 353 Quang Trung có bốt điện, cản trở đi lại của xe lăn (Ảnh: Khu vực nhà ga La Khê, đường Qung Trung, Hà Đông)

Theo khảo sát của tổ chức của người khuyết tật, sau khi đường sắt đô thị Hà Đông- Cát Linh vận hành, mặc dù toàn bộ hệ thống đường nhà ga, đường lên xuống, toa tàu đều đạt quy chuẩn Việt Nam 10-2014 nhưng giao thông tiếp cận tới các thang máy, nhà ga đường sắt chưa được thực sự quan tâm. Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) cho rằng:

"Để người khuyết tật đến được công trình, đến được thang máy và nhà ga là cả một vấn đề bởi đường đi lại gồ ghề, không đạt chuẩn, ảnh hưởng rất lớn đến người khuyết tật để đến được nhà ga. Người khuyết tật rất khó tham gia giao thông và sang đường vì đường không phù hợp và không đạt quy chuẩn".

Xe máy đỗ 2 bên rất khó để xe lăn lách qua (Ảnh: Khu vực nhà ga La Khê, đường Qung Trung, Hà Đông)

Hà Nội hiện có hơn 90 ngàn người khuyết tật, chiếm 1,3% dân số,  mỗi ngày có khoảng 30 ngàn người sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi học, đi làm.

Để người khuyết tật có thể sử dụng tàu điện trên cao, nhiều ý kiến cho rằng, cần đồng bộ hệ thống giao thông tiếp cận, cho phép các tổ chức của người khuyết tật tham gia giám sát, hướng dẫn về kỹ thuật để đảm bảo mọi đối tượng người khuyết tật có thể đi lại thuận lợi và an toàn.