Người Hà Nội thích ứng với quy định phòng chống dịch bệnh

Bắt đầu từ 12h ngày 25/5, TP Hà Nội đã quyết định tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Các hàng quán trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đều đóng cửa hoặc bán mang về. Ảnh: Hà Nội mới

Theo tìm hiểu của phóng viên VOVGT, bắt đầu từ sau 12h trưa ngày 25/5, trên nhiều tuyến phố trung tâm của Hà Nội, đa phần các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn TP Hà Nội đã nghiêm túc chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh.

Cảnh tượng ăn uống tại chỗ đã không còn, mà người dân chỉ đến mua đồ mang về. Họ tỏ ra không mấy bất ngờ với tình thế này, thậm chí luôn sẵn sàng với các phương án đã chuẩn bị từ trước:

"Từ khi dịch bùng phát từ đầu năm là nhà mình không ăn hàng quán, lúc nào cũng mang cơm đi làm. Nên giờ hàng quán chỉ cho mua về thì mình cũng không ảnh hưởng."

"Mình thì hoàn toàn nhất trí với chỉ đạo mới, chỉ là hơi bất tiện do không được chạy xuống hàng quán ăn nhanh cái gì đó thôi."

Đó là ý kiến và suy nghĩ của người dân khi bước sang giai đoạn phòng chống dịch bệnh mới, quyết liệt hơn. Về phía những người bán hàng, tuy hàng tháng vẫn phải gánh trên vai khoản chi phí thuê mặt bằng kinh doanh, nhưng họ vẫn rất hoan nghênh với quyết định của thành phố:

“Nhà nước mà làm thế thì cũng là vì an toàn cho nhân dân thôi, tất nhiên là cũng khó khăn cho nhà hàng và cho cả nhân viên, vì thu nhập bị giảm đi.”

“Khách đông lắm, đa số là mua về nhiều, em thấy rất ổn, ổn hơn là ăn tại đây, quanh đây họ ăn ở đây ít lắm.”

Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng qua lớn của làn sóng dịch bệnh lần thứ tư này, cộng thêm với quyết định cấm kinh doanh ăn uống tại chỗ đã khiến không ít chủ cửa hàng lao đao, thậm chí phải đóng cửa để chuyển sang hình thức kinh doanh khác:

“Cô đóng cửa rồi, nghỉ hẳn từ hôm nay luôn. Bây giờ bán mang về không ăn thua, chỉ được vài trăm nghìn mà giờ nếu mở ra không thể đủ chi phí được, ngày mở ra là vài triệu bạc rồi, nhân viên cho nghỉ hết.”

Khó khăn là điều đã nhìn thấy trước, và thực sự khó tránh với những cửa hàng nhỏ, vốn ít. Nhưng trên hết, tinh thần của những người bán hàng vẫn là ủng hộ và thể hiện sự tin tưởng vào sự quyết liệt phòng chống dịch của Nhà nước.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Hà Nội chỉ được bán hàng cho khách mang về. Ảnh: Lao động 

Khi hỏi về việc đội ngũ shipper đến lấy hàng đang tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh do khó đảm bảo khoảng cách an toàn, các chủ cửa hàng khẳng định đã có những cách để giữ an toàn cho chính mình và những shipper này:

“Nói chung là ship thì không phải an toàn tuyệt đối, để an toàn thì khi ship đến, chị bảo ship đứng ở ngoài cửa chờ, bọn chị làm đồ xong sẽ để ở ngoài, ship vui lòng tự lấy, như vậy cũng giảm tiếp xúc và không bị tụ tập quá đông trong phòng kín.”

“Quán em nếu tài xế đến đông thì em sẽ tắt app, không nhận đơn nữa, như vậy sẽ phục vụ khách tốt hơn và an toàn hơn, còn vãn vãn thì em lại bật app lên tiếp.”

Mặc dù cả thành phố gồng mình phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, nhưng trong tối 25/5, không ít thính giả đã phản ánh tới VOV Giao thông về các hành vi không tuân thủ quy định giãn cách, lựa chọn thời điểm thiếu vắng lực lượng chức năng để tiếp tục hoạt động kinh doanh:

“Hàng quán trong chợ Long Biên bán hàng ăn, khoảng 4h sáng là nghỉ, ban ngày không bán, đến tối 9h mới bán, tập trung ăn rất đông. Không thấy bảo vệ nhắc nhở, ngau tại đường 3 chợ Long Biên.”

“Từ cổng viện Bỏng đi xuống Cầu Bươu, rất nhiều quán mát xa ở đó vẫn hoạt động công khai cả ngày cả đêm, khách ra vào liên tục, không hiểu chính quyền có biện pháp gì để ngăn chặn việc này.”

Hi vọng rằng, với những phản ánh vừa rồi sẽ giúp lực lượng chức năng nắm bắt tình hình, nhanh chóng vào cuộc xử lý triệt để giảm thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bởi thời điểm này, chỉ cần một chút lơ là, khinh suất, bất chấp dịch bệnh để mưu lợi sẽ khiến công sức chống dịch của cả hệ thống chính trị sụp đổ.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: