Nhiều năm trước, có lần tôi hỏi mẹ: “Mẹ có thích làm sinh nhật không?”.
Mẹ tôi là một người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Mặc dù sau đó, bà có đi làm việc trong các cơ quan nhà nước, nhưng phần lớn thời gian trong cuộc đời bà gắn bó với làng quê. Ở nông thôn, với thế hệ của mẹ tôi, thường ít khi có thói quen làm sinh nhật. Nhưng bà chưa bao giờ quên sinh nhật tôi, sinh nhật các em tôi và thậm chí, chưa bao giờ quên sinh nhật của các con tôi.
Cứ đến những ngày đặc biệt đó, thời còn khó khăn, bà vẫn cố gắng chuẩn bị cho chúng tôi những món quà, để chúng tôi không cảm thấy thua thiệt với bạn bè. Rồi đến nay, bà vẫn giữ thói quen gọi điện thăm hỏi và gửi lời chúc từ xa cho con cháu nhân dịp sinh nhật.
Khi đã trưởng thành, không chỉ tôi mà tất cả chúng ta, không khó để tổ chức cho con cái những buổi tiệc sinh nhật vui vẻ, đầm ấm, có bạn bè và nhiều người thân quen.
Nhưng đôi khi, chúng ta sẽ không nhớ nhiều lắm rằng, người già cũng cần có những niềm vui như vậy. Và một câu hỏi lớn hơn mà tôi vẫn băn khoăn, đó là: “những người già cần gì?”.
Mấy tháng trước, khi ngồi nói chuyện với mẹ, tôi hỏi: “Mẹ thích đọc cuốn sách nào để con tặng?”. Xin được chia sẻ thêm là mẹ tôi có sở thích đọc những cuốn sách mà có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên và không nghĩ rằng, ở tuổi trên 80, sống ở điều kiện nông thôn như mẹ tôi lại quan tâm đến những cuốn sách như vậy. Đó là những cuốn sách về chính trị quốc tế, thời sự quốc tế.
Không chỉ muốn tặng mẹ thêm những cuốn sách, mà tôi còn đề nghị mẹ hãy viết lại câu chuyện của cuộc đời mình, về những năm tháng bà đã trải qua. Tôi nghĩ, đó đều là những câu chuyện rất thú vị. Nếu như bà không viết, thì mai kia, các cháu các chắt của bà, các thế hệ sau này làm sao biết được về thời kỳ ngày xưa của bà, của cụ là như thế nào.
Tôi có may mắn được nghe mẹ kể về nhiều câu chuyện trước đây, tôi thấy đó đều là những câu chuyện thú vị, ngay cả khi kể lại cho các con tôi, chúng cũng thấy rất thú vị.
Khi nghe lời đề nghị đó, ban đầu, mẹ tôi gạt đi vì bà cho rằng, thời điểm đó ai cũng như mẹ tôi, ai cũng từng trải qua một thời chiến tranh, một thời khó khăn như vậy. Khi đó, chắc hẳn sẽ có nhiều hoàn cảnh giống như mẹ tôi.
Nhưng tôi nhận ra một điều rằng, chúng ta ít khi ghi lại và ít khi được đọc lại những câu chuyện đơn giản như vậy. Tuy đơn giản, nhưng nó lại rất cần thiết. Bởi quá khứ của một đất nước, của một dân tộc cũng được ghi lại một phần từ những mảnh quá khứ của những con người khác nhau đó thôi!
Sau đó, tôi đã mua giấy bút để khuyến khích mẹ viết. Lâu lắm rồi, bà mới lại cầm bút và ngồi viết. Hóa ra là khi bắt đầu viết, bà đã nhớ lại được nhiều câu chuyện xúc động và có thêm nhiều cảm hứng hơn.
Tôi nghĩ, đó là một trải nghiệm, một cách giúp người cao tuổi có những cơ hội để làm một cái gì đó, không chỉ có ích cho từng người mà còn có ích cho chính bản thân họ.
Vì ở Việt Nam, đa phần người lớn tuổi thường đối mặt với một tình trạng tương đối khó khăn, đó là giao tiếp ngày một ít hơn, thông tin đến với họ ngày một ít hơn và đầu óc cũng làm việc ít hơn, một phần do số người cần đến ý kiến, ý tưởng của họ cũng ít hơn. Trí não của chúng ta cũng như những bộ phận khác của cơ thể, nếu không làm việc nhiều sẽ dần dẫn đến thoái hóa.
Hôm vừa rồi, tôi về quê sinh nhật mẹ, con trai tôi ngỏ ý muốn tặng một món quà cho bà nội, món quà đó là một cuốn sách. Có thể nhiều người khi tặng sách cho người lớn tuổi, họ sẽ chọn một cuốn sách viết về sức khỏe, về cách chữa bệnh hoặc các bài tập dưỡng sinh.
Nhưng vì đã biết trước sở thích của bà nội, con trai tôi đã tặng bà cuốn “Những tù nhân của địa lý” – đó là một cuốn sách bà rất muốn đọc, một cuốn sách viết về thế giới, về địa chính trị.
Cuốn sách mà mẹ tôi được tặng có những nội dung có thể không quá xa lạ, vì đó cũng là một nguồn kiến thức giúp chúng ta hiểu biết hơn. Và những nội dung được ghi chép lại từ ký ức của mẹ tôi, có thể cũng từng gắn bó với nhiều người. Nhưng điều quan trọng là khi được đọc, được viết như vậy, sẽ giúp cho mọi người, đặc biệt là những người lớn tuổi có được một cuộc sống viên mãn hơn, tỉnh táo hơn, giúp họ khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Thực ra, số người lớn tuổi ở Việt Nam đang ngày càng đông lên, chúng ta là một dân tộc đang già đi.
Biết đâu đó, câu chuyện của tôi cũng là một gợi ý nào đó, để vào một dịp đặc biệt như sinh nhật của bố mẹ, bạn có thể làm một điều gì đó cho họ, giống như bạn đã từng làm với bạn bè, với con cái mình, như mua cho mẹ, cho bố một cuốn sách, khuyến khích họ nghe lại, đọc lại, viết lại những ký ức, những điều từng trải qua trong cuộc sống.
Tôi nghĩ đó là một cách tốt đẹp để lưu giữ lại kí ức của chính mình, của dân tộc mình. Và cũng đồng thời là một cách giúp cho những người già, người lớn tuổi trong xã hội có được các hoạt động có ích cho mình, cả về thể chất lẫn tinh thần!./.