Người dân bỡ ngỡ về mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo luật mới

Sau 3 ngày triển khai kiểm tra nồng độ cồn theo quy định mới, lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Điều đáng nói, người vi phạm vẫn còn khá bỡ ngỡ trước mức xử phạt cũng như thời hạn giữ giấy phép lái xe của Nghị định mới. 

Lực lượng CSGT đo nồng độ cồn của một người điều khiển xe máy.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đúng 12h30, tại nút giao Bạch Mai – Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tổ công tác của đội CSGT số 4, thuộc Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội thực hiện chuyên đề về kiểm tra nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Chỉ sau 15 phút làm việc, lực lượng CSGT đã kiểm tra nhiều phương tiện tham gia giao thông, trong đó phát hiện tài xế Nguyễn Đăng Bình (sinh năm 1966, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vi phạm nồng độ cồn 0,16mg/L khí thở. Sau khi được lực lượng chức năng giải thích lỗi vi phạm và mức xử phạt theo nghị định mới, tài xế này cho biết: 

 

“Tôi chỉ 1 chén rượu mặt đã đỏ lên ngay, nhưng chẳng lẽ gặp các cháu, các em lại không uống. Vì nghĩ nhà chưa đến 1km, vì nhà gần nên tôi chủ quan đi xe máy, thường thường đi khoảng cách vài km tôi đã đi taxi hoặc đi ô tô rồi. Tất nhiên sẽ rút kinh nghiệm thà rằng đi xe ôm chứ không tự lái nữa cho đỡ phiền hà”.

Ít phút sau, Tổ công tác tiếp tục phát hiện thêm 1 trường hợp điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn. Người vi phạm cho biết, chỉ sử dụng 1 chút rượu thuốc, hoàn toàn tỉnh táo để tham gia giao thông.

 

- CSGT: Chúng tôi sẽ kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông.

- Người vi phạm: Tôi bị đau lưng chỉ uống rượu thuốc thôi chứ không phải uống rượu kia.

- CSGT: Kết quả của anh là 0,186mg/L khí thở. Đối với mức nồng độ cồn này của anh không được điều khiển xe mô tô khi tham gia giao thông.

Trường hợp vi phạm nồng độ cồn với kết quả 0,186mg/ lít khí thở.

Ngay sau khi có kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng đọc lỗi vi phạm, lập biên bản xử phạt, tạm giữ phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe theo đúng nghị định, người này liền chống chế với CSGT và bỏ lại phương tiện, không chịu ký biên bản xử phạt.

Theo thông tin từ Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội, chỉ tính riêng 2 ngày đầu triển khai kiểm tra nồng độ cồn theo Nghị định 100, lực lượng chức năng đã xử phạt 12 trường hợp. Trong đó có 2 trường hợp bị phạt tới 35 triệu đồng. Đáng nói, có nhiều trường hợp chống đối lực lượng chức năng, thậm chí có trường hợp còn mạo danh Vụ trưởng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo để gây sức ép, buộc lực lượng chức năng bỏ qua lỗi vi phạm. 

Thiếu tá Nguyễn Quang Nam, Đội CSGT số 4, Công an TP. Hà Nội cho biết: 

 

“Xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, người tham gia giao thông đã sử dụng rượu bia thì tìm đủ mọi lý do để giải thích cho mình như: Uống rượu thuốc, ăn hoa quả hoặc lý do nào đó để người ta có nồng độ cồn trong người. Trong thời gian tới, Công an TP. Hà Nội sẽ tiếp tục các kế hoạch và xây dựng các chuyên đề để xử lý nồng độ cồn trên địa bàn TP. Hà Nội”.

Có thể nói sau 3 ngày Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, nhìn chung người tham gia giao thông đã ý thức hơn trước, bởi Nghị định này tăng mức xử phạt tối đa đối với các vi phạm về nồng độ cồn và ma túy, nên đã tạo tính răn đe cho người dân. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người tham gia gia thông cần tự mình nâng cao ý thức chấp hành đúng các quy định về luật giao thông, nhất là không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện.