Ngồi trong ô tô có cần mặc áo chống nắng?

Tia UV vẫn có khả năng xuyên qua cửa kính ô tô gây hại cho da khi lái xe dưới trời nắng gắt.

Chạy xe giữa trời nắng nóng, đóng kín cửa sổ, người lái vẫn bị nám da, cháy nắng, da sớm lão hóa, thậm chí bị ung thư nếu tiếp xúc tia UV trong thời gian dài mà không dùng biện pháp bảo vệ - Ảnh nh họa

Đối với các lái xe, nhất là đối tượng thường xuyên phải di chuyển đường dài có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi phải chạy dưới trời nắng nóng. Bước vào mùa hè thời tiết nắng nóng, nền nhiệt có thể lên tới ngưỡng 39-40 độ C. Việc phải lái xe trong điều kiện nắng gắt khiến nhiều tài xế dễ cáu gắt, mệt mỏi, căng thẳng và mất tập trung.

Bên cạnh đó còn có thể mắc các vấn đề về da như cháy nắng, bỏng nắng nếu không có biện pháp che chắn vùng da hở.

Chia sẻ với Sức khỏe đời sống, bác sỹ Đặng Bích Diệp cho biết, không phải đóng kín cửa ôtô đã là chống nắng tốt. Phần cửa trước ô tô có thể chống nắng được nhưng với 2 cửa bên thì tia UVvẫn có thể xuyên qua. Nếu lái xe dưới nắng gắt trong thời gian kéo dài dễ gây tăng sắc tố da, nám má, da lão hóa sớm, nguy cơ cháy nắng, bỏng nắng thậm chí là nguy cơ ung thư da.

Trước thực tế trên, bác sỹ Đặng Bích Diệp khuyến cáo, người dân cần thực hiện các biện pháp chống nắng như ở ngoài trời ngay cả khi ngồi trong ô tô. Chẳng hạn các biện pháp chống nắng vật lý như mặc quần, áo dài, che chắn vùng da hở. Bôi kem chống nắng kỹ lưỡng cho vùng da hở như mặt, cổ tay tiếp xúc với vô lăng....

Các bác sĩ cũng cho biết, trên thực tế, nhiều người thường có thói quen mở điều hòa ôtô ở nhiệt độ thấp mà không biết rằng tình trạng sốc nhiệt ở ôtô nguy hiểm hơn nhiều so với sốc nhiệt khi từ phòng điều hòa ra ngoài trời vì không gian bên trong xe vốn dĩ có thêm khá nhiều CO2 và mọi người thường có thói quen để điều hòa chiếu thẳng vào người khi ngồi trên ôtô.

Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn còn dẫn đến bị sốc nhiệt với biểu hiện đau đầu, chóng mặt hoặc choáng váng, tim đập nhanh, thậm chí ngất xỉu hoặc đột quỵ. Nguy cơ này càng cao với những ai có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim mạch.

“Trong trường hợp muốn dừng xe hay tắt máy thì phải tắt điều hòa A/C trước, tắt quạt rồi mới mở cửa và bước ra ngoài. Nhiều lái xe kinh nghiệm còn tăng nhiệt độ lên khi sắp tới điểm đến để cơ thể thích nghi dần trước khi bước ra bên ngoài có nền nhiệt độ cao để tránh sốc nhiệt”, bác sỹ Đặng Bích Diệp khuyến cáo.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Anh chỉ ra rằng khi đóng kín cửa sổ, người ngồi trong xe vẫn bị ảnh hưởng bởi ánh nắng mặt trời. Phần cơ thể gần cửa sổ, tiếp nhận lượng ánh sáng gấp 6 lần liều bức xạ cực tím so với vùng không bị nắng.

Cửa sau, cửa sổ xe chỉ bảo vệ da chúng ta tránh khỏi tia UVB. Khác với kính chắn gió, nó có thể ngăn tia UVB và chống tia UVA xâm nhập sâu hơn.

Các nhà khoa học từ Viện Boxer Wachler Vision, Beverly Hills (Mỹ) cũng đưa ra lời giải thích, đa phần kính phía trước của ôtô có thể chặn đến 96% tia UV, tương tự kem chống nắng SPF 30. Tuy nhiên, cửa sổ xe 2 bên chỉ ngăn được 71% tia UV. Ở một số loại xe, con số này chỉ đạt 44%.