Nghịch lý vào bến xe nhưng không được mua vé

Gần đây, Kênh VOV Giao thông nhận được phản ánh của thính giả đề nghị về tình trạng vào bến xe Gia Lâm (Hà Nội) nhưng không được… mua vé mà phải trả thẳng tiền cho nhà xe. Khi lên xe, tài xế cho xe chạy lòng vòng bắt khách, thường xuyên dừng đỗ trái quy định.

Nhằm xác nh thông tin, phóng viên VOV Giao thông đã khảo sát trực tiếp tại bến xe Gia Lâm vào đầu giờ chiều một ngày giữa tháng 10/2022.

Tại sảnh chính, khu vực quầy bán vé vắng tanh, chỉ có 1 nhân viên trông coi gần 10 ô cửa. Khi phóng viên thắc mắc về việc mua vé đi Thái Nguyên, một nhân viên mặc đồng phục của bến Gia Lâm chỉ về phía cửa ra khu vực đậu xe.

- Bây giờ anh đi ra cửa số 1, rẽ tay phải là lên xe luôn. Lên xe gửi tiền nhà xe anh nhé.

- Tôi không được mua vé?

- Tầm này, bọn em đang chuyển đổi vé điện tử. Vẫn chưa đưa vé xuống nên bọn em cũng không rõ được đâu.

Cửa soát vé tại bến xe Gia Lâm gần như bị vô hiệu chức năng vì hành khách không mua được vé

Tại khu vực bên trong, được phóng viên đặt câu hỏi về quyền lợi nếu không mua vé mà trả thẳng tiền cho nhà xe, liệu có bị thu giá quá quy định, hay không được mua bảo hiểm rủi ro, đa số các tài xế đều lảng tránh.

Tuy nhiên, cũng có bác tài khá cởi mở chia sẻ vấn đề này, như anh Nguyễn Văn Tuấn, nhà xe Mạnh Hà (Thái Nguyên). Theo lời anh Tuấn, có một sự thật bất ngờ là hành khách đi xe từ bến xe Thái Nguyên sẽ được xuất hóa đơn điện tử kèm mã QR. Nhưng chiều đi từ bến Gia Lâm thì lại không có.

“Họ tự trả tiền mình trên xe. Mà cũng có khách đâu, toàn một, hai người, có hôm xe không về thôi, không có khách. Như hôm nay có 2 khách thì toàn là người nhà. Người ta biết chứ, 80 nghìn, khách người ta đi cũng nắm được giá cả, người ta biết rồi”, anh Tuấn cho biết.

Do vé giấy truyền thống đã bị khai tử, nhưng việc xuất hóa đơn điện tử theo Nghị định 123 lại chưa được thực hiện nghiêm, nên hành khách phải trả tiền trực tiếp cho nhà xe

Nêu thắc mắc với ông Nguyễn Đức Vui, giám đốc bến xe Gia Lâm, được biết, trường hợp oái oăm này là do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã cài đặt phần mềm bán vé điện tử tại bến xe Thái Nguyên, nhưng chưa thực hiện tại bến xe Gia Lâm.

Tình trạng người dân vào bến xe nhưng không thể mua vé đã xuất hiện từ ngày 1/7/2022, thời điểm Nghị định số 123 năm 2020 của Chính phủ có hiệu lực. Nghị định quy định người bán hàng bắt buộc áp dụng lập hóa đơn điện tử cho người mua.

Chỉ có lác đác một số doanh nghiệp đã có vé điện tử kèm mã QR xuất cho khách khi mua tại bến

Theo ông Nguyễn Đức Vui, vé giấy truyền thống trước đây đã bị khai tử, nhưng thực tế, việc áp dụng vé điện tử thay thế còn đang rất chậm, ước tính chỉ có vài doanh nghiệp hoạt động tại bến Gia Lâm đã chấp hành:

“Đến thời điểm này, đa phần các doanh nghiệp vẫn chưa cài đặt phần mềm bán vé điện tử tại bến. Chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách vào bến.

Thời gian tới, công ty cổ phần bến xe Hà Nội cũng chỉ đạo các bến xe phải đôn đốc tất cả doanh nghiệp vận tải có xe tại bến Gia Lâm, các bến của công ty khẩn trương thuê các doanh nghiệp vận tải viết phần mềm, cài đặt hệ thống bán vé điện tử tại các bến của công ty, với mục tiêu cao nhất là đáp ứng, phục vụ tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho người đi xe”

Như vậy, câu chuyện không thể mua vé xe tại bến có thể vẫn sẽ tiếp tục kéo dài. Trong khi đó, đa số hành khách không được đảm bảo các quyền lợi khi trả thẳng tiền cho nhà xe mà không có bản giao kết ràng buộc trách nhiệm nào, và đương nhiên, việc tính thuế với doanh nghiệp cũng thiếu thực tế vì không nắm được doanh thu.         

Ông Nguyễn Đức Vui, Giám đốc bến xe Gia Lâm, thừa nhận, việc các doanh nghiệp chậm trễ cài đặt phần mềm bán vé điện tử đang gây ảnh hưởng tới quyền lợi của hành khách vào bến

Mục tiêu ngành giao thông vận tải tuyên truyền bấy lâu nay để thu hút hành khách vào bến mua vé, hạn chế xe dù bến cóc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi lẽ, quyền lợi của người dân vào bến với người bắt xe khách dọc đường giờ đây đang bị “cào bằng”.

Thiết nghĩ, số hóa trong hoạt động vận tải khách, cụ thể thông qua hóa đơn điện tử là một xu thế tất yếu. Nhưng trong quá trình chuyển đổi số đầy chông gai này, rất cần sự giám sát chặt chẽ và đốc thúc quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý.

Chuyển đổi số là để mọi thứ thuận tiện hơn, không nên gây thiệt hại tới quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.