Ngày mai, quy định cấm lái xe sau khi uống rượu bia có hiệu lực

Từ 01/01/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ chính thức có hiệu lực, nghiêm cấm toàn bộ hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người. Siết chặt hơn các quy định về sử dụng, buôn bán và kinh doanh các loại đồ uống c

Cấm triệt để tất cả các phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn

Cấm toàn bộ các phương tiện “Đã lái xe – không được uống rượu, bia”

Theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật số 44/2019/QH14) vừa được ban hành, kể từ ngày 01/01/2020, Việt Nam sẽ cấm triệt để hành vi điều khiến phương tiện tham gia giao thông đường bộ (ô tô, xe máy, xe điện…) và giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn…) khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Trước đó, Luật hiện hành cho phép người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dù trong người có nồng độ cồn, đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy được phép tham gia giao thông trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn dưới ngưỡng 50 ligam/100 li-lít máu hoặc 0,25 ligam/1 lít khí. 

Như vậy, với quy định mới sẽ cấm hoàn toàn và không còn quy định khung nồng độ cồn. Luật cũng quy định rõ các khái niệm “rượu” và “bia”. Cụ thể, nồng độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, còn bia tính theo phần trăm thể tích. Nồng độ cồn được đo bằng số li-lít ethanol nguyên chất trong 100ml dung dịch tại 20 độ C.

Cấm ép, xúi giục, lôi kéo người khác uống rượu, bia

Đáng chú ý, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có điều khoản nghiêm cấm xúi giúc, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia đang được nhiều người quan tâm.

Cụ thể, các hành vi sau đây sẽ bị nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, siên viên uống rượu, bia ngay trước hoặc trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập…

Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Ngoài các địa điểm cấm theo điều 10 được quy định trong luật, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia gồm: công viên; trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, nhà chờ xe buýt; rạp chiếu phim, nhà hát; sân vận động, nhà thi đấu thể thao.

Cấm quảng cáo rượu, bia trong khung giờ từ 18h - 21h hàng ngày

Cấm quảng cáo rượu bia trong khung giờ 18h – 21h

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định không được quảng cáo rượu, bia trong khung giờ từ 18h – 21h hàng ngày trên các loại hình báo chí như báo hình, báo nói; trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài…Khi quảng cao, phải có cảnh báo đề phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Không quảng cáo trên các phương tiện giao thông. Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết không bán hàng cho người dưới 18 tuổi. Không mở điểm bán rượu, bia cố định trong vòng bán kính 100m từ khuôn viên cơ sở y tế, nhà trẻ, mẫu giáo…

Trường hợp quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia.

Mặc dù “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020 tới đây nhưng hiện các văn bản hướng dẫn dưới luật về hành vi này (cụ thể là Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông) vẫn chưa có. 
Dự kiến thời gian tới đây, các hành vi vi phạm này sẽ sớm được cập nhật để có chế tài xử phạt để đồng bộ các văn bản phạm quy trong cuộc sống.