Ngành giáo dục chủ động tuyển dụng: Được lợi gì?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo Luật Nhà giáo. Đáng chú ý, tại dự thảo Luật này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất việc trao quyền chủ động trong việc tuyển dụng giáo viên.

Dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, có 4 chương, 71 Điều, gồm: những quy định chung; Hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; Chức danh, chuẩn nhà giáo và chứng chỉ hành nghề và Điều khoản thi hành.   

Cụ thể, tại dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yếu tố riêng biệt gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.

Với dự thảo Luật Nhà giáo, nhà giáo được bảo vệ thông qua quyền và những điều không được làm đối với nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.

Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.

Dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo. Việc bổ nhiệm do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu, hoặc quyết định, hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao.

Dự thảo Luật Nhà giáo được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc trao quyền chủ động trong tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục là cần thiết; giúp ngành giáo dục chủ động được việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng, ra đề thi, cách thức tổ chức thi, cũng như sử dụng đúng người, đúng việc. Đây là quy định rất quan trọng để dùng người đúng nhu cầu, góp phần tháo gỡ tình trạng thừa - thiếu giáo viên đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Dự kiến Luật Nhà giáo sẽ tiếp tục được thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào giữa năm 2025. 

Ngành giáo dục được chủ động tuyển dụng giáo viên sẽ được dùng người đúng nhu cầu (ảnh: QH)

ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, PHÙ HỢP CƠ CẤU MÔN HỌC

Nếu trao quyền chủ động cho ngành giáo dục tuyển dụng nhà giáo, có khắc phục được tình trạng thừa – thiếu giáo viên? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thái Văn Thành, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội xung quanh nội dung này:

PV: Vì sao ông lại cho rằng cần giao trách nhiệm, sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên cho cơ quan quản lý giáo dục?

ĐBQH Thái Văn Thành: Khi giao cho ngành giáo dục thì họ được chủ động trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo, đồng thời là cũng chủ động làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, cơ chế, chính sách môi trường làm việc để tạo động lực trong việc cho nhà giáo là rất phù hợp.

Thứ hai, khi ngành giáo dục được chủ động trong tuyển chọn sẽ đúng với đặc trưng lao động sư phạm của nhà giáo, cho nên sẽ đảm bảo được chất lượng đội ngũ nhà giáo, phù hợp với cơ cấu của các môn học, cũng như nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay. 

Thứ ba là ngành sẽ chủ động trong việc thu hút sinh viên xuất sắc hoặc là đặt hàng theo Nghị định 116 cho học sinh trung học phổ thông có học lực xuất sắc hoặc các cháu đạt học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia, để thu hút các cháu vào ngành sư phạm.

Bởi vì mỗi ngành giáo dục được chủ động trong việc tuyển dụng, quản lý biên chế thì họ sẽ có dự báo và sẽ dành biên chế để khi các cháu tốt nghiệp thì có biên chế để thực hiện chính sách này. Còn bây giờ thì rất khó, bởi vì ngành giáo dục không quản lý biên chế. Cho nên các địa phương rất khó trong việc thực hiện.

PV: Vậy với những đề xuất đưa ra tại dự thảo Luật Nhà giáo, theo ông đã có thể khắc phục những bất cập vừa nêu hay chưa?

ĐBQH Thái Văn Thành: Với những quy định trong dự thảo luật thì cơ bản để khắc phục được những điểm nghẽn những tồn tại bất cập trong thực tiễn hiện nay.

PV: Theo ông có thể giao cho ngành giáo dục chủ động hơn trong việc tuyển biên chế để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên được không?

Đại biểu Quốc hội ĐBQH Thái Văn Thành (người đứng), Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội

ĐBQH Thái Văn Thành: Về mặt quản lý nhà nước thì trong dự thảo luật nói rất rõ, là ngành giáo dục được chủ động, hay được chủ trì là chủ thể quản lý đội ngũ nhà giáo, nhưng mà nó vẫn đồng bộ và không vênh nhau với chức năng quản lý Nhà nước với nhà giáo của các bộ, ngành khác như là Bộ Nội vụ, Bộ Lao động. Nó đảm bảo thống nhất trong một trình tự pháp luật của chúng ta.

Và việc quản lý biên chế, đó là trách nhiệm của ngành nội vụ, cho nên họ vẫn phải quản lý biên chế thôi, nhưng ngành giáo dục chủ động xác định nhu cầu, số lượng, vị trí việc làm, cơ cấu môn học, rồi thì nhu cầu đổi mới và để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; anh chủ động như vậy, anh sẽ có quy hoạch, có kế hoạch phát triển và tuyển đúng đối tượng.

Còn ngành nội vụ họ vẫn phải có chức năng quản lý biên chế và họ vẫn phải có khâu kiểm tra, kiểm soát. Như vậy cũng rất phù hợp.

Với những chính sách như vậy, nếu được Quốc hội thông qua, khi luật đi vào cuộc sống thì chắc chắn là nhà giáo có được những năng lượng mới, có được những môi trường mới để thu hút những người giỏi vào ngành sư phạm và chắc chắn nó sẽ có hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông.

CÓ KHẮC PHỤC ĐƯỢC TÌNH TRẠNG THỪA - THIẾU?

Trao đổi với VOV Giao thông, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo - đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Nhà giáo cho biết, việc trao quyền chủ động tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục sẽ khắc phục căn bản những bất cập trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên hiện nay.

PV: Thưa ông, vì sao Bộ Giáo dục lại đề xuất phương án ngành giáo dục được chủ động tuyển giáo viên?

TS Vũ Minh Đức: Điều này xuất phát từ mấy quan điểm: Thứ nhất là quan điểm của Đảng và Nhà nước đưa ra trong nghị quyết số 29 đổi mới căn bản giáo dục Việt Nam và mới đây nhất là Kết luận 91 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29, thì có quan điểm là tăng cường tính chủ động của ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, sử dụng cũng như bố trí ngân sách cho giáo dục. Đây là một quan điểm rất quan trọng để Ban soạn thảo trên cơ sở đó cụ thể trong dự án Luật.

Thứ hai, Ban soạn thảo đã chuyển từ quan điểm quản lý hành chính nhà giáo sang quản lý chuyên môn và quản trị nguồn nhân lực. Trong việc quản trị nguồn nhân lực thì đều quan tâm đến việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, khen thưởng, trả lương cũng như các chính sách đối với đội ngũ thì mới đảm bảo việc giữ chân cũng như tuyển chọn được người giỏi công tác trong ngành.

Thứ ba, trong thực tiễn cho thấy những vướng mắc trong thời gian vừa qua về việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo. Theo phân cấp thì việc tuyển dụng nhà giáo chủ yếu giao cho cơ quan nội vụ thực hiện, ngành giáo dục có tham mưu, đề xuất nhu cầu và cũng có thành viên tham gia hội đồng tuyển dụng. Tuy nhiên, vai trò chủ động do cơ quan nội vụ tiến hành. Thế nên trong quá trình tuyển dụng thì cũng có một số vướng mắc.

Vướng mắc đầu tiên là hầu hết các địa phương hiện nay không tuyển đủ biên chế chỉ tiêu được giao, mặc dù định mức giáo viên trên lớp, cũng như cơ cấu môn học đã được Bộ giáo dục và Đào tạo xác định trên cơ sở tính toán khoa học cũng như cơ cấu các môn học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo quy định.

Vướng mắc thứ hai là việc tuyển dụng ở các địa phương đôi khi không thực hiện đúng theo vị trí cần phải tuyển. Ví dụ ở các nhà trường thiếu các giáo viên ở môn học này, thì có thể trong quá trình thực hiện lại tuyển dụng ở môn học khác.

Vấn đề thứ ba là trong quá trình tuyển dụng thì thời điểm tuyển dụng không phù hợp, ví dụ các địa phương thì có thể tuyển dụng vào đầu năm hoặc cuối năm trong khi năm học thì thường bắt đầu vào tháng 8 và tháng 9. Như vậy thì việc đáp ứng yêu cầu của đội ngũ nhà giáo trong năm học ấy là không đáp ứng được.

Thứ tư là trong quá trình tuyển dụng thì vì là tuyển dụng chung với các viên chức khác, cho nên nội dung tuyển dụng nó không bám sát đặc thù của ngành giáo dục, cho nên tuyển dụng được những người có thể không đáp ứng được yêu cầu để làm nhiệm vụ của nhà giáo. Chính vì vậy, các vướng mắc ấy cần phải được khắc phục và chỉ khi nào ngành giáo dục được chủ trì những nội dung như vậy thì mới khắc phục được những bất cập hiện có. 

PV: Nếu ngành giáo dục được chủ đông tuyển dụng giáo viên, khắc phục được tình trạng thừa – thiếu giáo viên?

TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo

TS Vũ Minh Đức: Trong thực tiễn hiện nay một số địa phương, ví dụ TP. HCM đã thực hiện được việc ngành giáo dục chủ trì việc tuyển dụng, thậm chí phân cấp rất mạnh mẽ cho các nhà trường. Việc tuyển dụng như vậy rất đảm bảo về mặt chất lượng, cũng như số lượng nhà giáo được tuyển dụng đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi cho rằng nếu giao cho ngành giáo dục chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên có thể khắc phục được việc thừa thiếu giáo viên.

Thứ hai, chúng ta lo ngại có thể tuyển dụng ồ ạt giáo viên, tuy nhiên, việc tuyển dụng ấy dựa trên cơ sở trong luật. Đấy chính là chuẩn nhà giáo và chuẩn nhà giáo thì có các yếu tố cũng như các quy trình được thiết kế ở các văn bản dưới luật một cách chặt chẽ, đảm bảo rằng không có chuyện tuyển dụng ồ ạt, mà phải lấy tiêu chí theo chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo làm tiêu chí đầu tiên để cho việc tuyển dụng cũng như khả năng về sư phạm đối với người được tuyển dụng, đáp ứng yêu cầu mới có thể được tuyển dụng làm nhà giáo.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ đang ngày càng trầm trọng, trong đó nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì, nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên, biên chế được tuyển đôi khi chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của khối nhà giáo.

Bởi vậy, tại dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất việc trao quyền chủ động tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục để khắc phục tình trạng này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự thảo luật sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

----

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Từ và thứ Bảy hằng tuần trên FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast.