Ngành đường sắt muốn hợp nhất 2 công ty, tách bạch vận tải hành khách và hàng hoá

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa trình Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2017-2020. Điểm đáng chú ý, VNR muốn chuyên môn hoá việc vận tải hành khách, tách vận tải hàng hoá ra khỏi 2 Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn.

Sau khi sát nhập, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt sẽ đảm nhận hoàn toàn mảng vận tải hành khách. (Ảnh: Báo điện tử Tổ Quốc)

Đề xuất sát nhập do hoạt động kinh doanh kém

Theo đó, VNR đề xuất 3 phương án sát nhập Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội. VNR lựa chọn phương án hợp nhất 2 công ty trên thành một Công ty cổ phần Vận tải đường sắt.

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt này sẽ thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa (là công ty cổ phần có vốn góp không chi phối của doanh nghiệp hợp nhất). Như vậy, thị trường vận tải hàng hóa do công ty con đảm nhận và thị trường vận tải hành khách do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt đảm nhận.

Việc sát nhập nhằm mục đích chuyên môn hoá, tách bạch vận tải hàng hoá và vận tải hành khách. Đồng thời thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đầu tư vào vận tải hàng hóa, hành khách để khai thác nguồn lực xã hội về tài chính, công nghệ, thị trường và đặc biệt là quản trị.

Phương án này cũng hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ, tập hợp nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, hạ giá thành vận tải… tận dụng lợi thế vận tải, nghiên cứu cung cấp dịch vụ trọn gói, tạo thuận lợi cho khách hàng để tăng thị phần, tạo thêm việc làm, tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động.

Liên quan đến đề xuất trên, một số ý kiến từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT đề nghị VNR cần nêu rõ cơ sở pháp lý, đặc biệt là việc sắp xếp người lao động sau khi hợp nhất.

Theo lãnh đạo VNR, về hợp nhất doanh nghiệp đã có hành lang pháp lý và được luật hóa tại Luật Doanh nghiệp nên có đủ cơ sở để tổ chức thực hiện. Do vậy, thời gian chuyển đổi mô hình tổ chức sẽ nhanh, sớm ổn định để tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả (thời gian khoảng 110-120 ngày).

VNR cũng khẳng định việc sát nhập ít gây xáo trộn về tổ chức và nhân lực. Tiết kiệm được chi phí phát sinh của quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp vận tải đường sắt, như không phải thực hiện đánh giá lại các tài sản và tổ chức đấu giá…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hợp nhất sẽ tiếp tục sử dụng lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động, không làm phát sinh khoản kinh phí lớn do chấm dứt hợp đồng lao động và phải trợ cấp cho người lao động.

Sau khi đề án được phê duyệt, VNR sẽ thuê tư vấn thực hiện hợp nhất hai công ty. Đồng thời, tổ chức định giá để xác định tỉ lệ hoán đổi cổ phần của hai công ty vận tải đường sắt sang công ty hợp nhất và đề xuất phương án hợp nhất, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt trước khi thực hiện.

Được biết, trong đề án, VNR còn đề xuất thành lập Trung tâm Khoa học công nghệ và dịch vụ, là đơn vị trực thuộc VNR. Trung tâm này có nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý, theo dõi và điều hành vận tải đường sắt của VNR, đổi mới quản trị doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, tổ chức quản lý tập trung toàn bộ nguồn lực đất đai có khả năng khai thác thương mại nhằm khai thác tối đa lợi thế thương mại của quỹ đất.

Khó đạt mục tiêu đề ra

Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt đang sụt giảm mạnh. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019,  công ty chỉ vận chuyển (xếp được) hơn 1,9 triệu tấn, đạt 87%; và dỡ được hơn 1,8 triệu tấn, đạt 88% so với cùng kỳ năm 2018. Điều này kéo theo doanh thu xếp dỡ hàng hóa của đơn vị chỉ đạt 92,9% so với cùng kỳ.

Còn về vận chuyển hành khách, ông Đỗ Văn Hoan cho hay, sản lượng công ty đạt được trong 6 tháng đầu năm tăng 6,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên so với kế hoạch đề ra (tăng trưởng 7,7%) thì không đạt được.

Về sản lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách theo chia sẻ của ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng không khá hơn. Cụ thể, ông Tuấn cho hay, 6 tháng đầu năm công ty cũng chỉ vận chuyển (xếp được) hơn 438.000 tấn, bằng 92,1% cùng kỳ; và dỡ được hơn 394.000 tấn, bằng 87,4%; doanh thu tàu hàng bằng 96,9%. Về hành khách, sản lượng vận chuyển của công ty bị giảm hơn 7% so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân sụt giảm, ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, thời gian vừa qua các bạn hàng lớn của công ty làm ăn khó khăn. Ví dụ như các đơn vị của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, cụ thể là Công ty cổ phần Phốt phát và hóa chất Lâm Thao sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh kéo theo việc giảm vận chuyển cả đầu vào và sản phẩm đầu ra. Theo tính toán, vận chuyển hàng hóa cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 30% sản lượng vận tải hàng hóa đường sắt hàng năm.

Ngoài ra, việc xuất nông sản từ phía Nam đi thị trường Trung Quốc cũng giảm khá mạnh hay nông sản từ phía Bắc đi thị trường Trung Quốc giảm sâu, chẳng hạn bột sắn chỉ đạt 20% sản lượng so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng theo đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, việc thiếu các toa xe tiêu chuẩn xếp hàng như toa xe chở container, toa xe G (toa xe mui kín) trong khi nhu cầu xếp hàng các loại toa xe này tăng cao khi vào thời vụ dẫn đến khách hàng chuyển sang đi bằng phương tiện khác như đường bộ, đường biển. Đây cũng là nguyên nhân khiến vận tải hàng hóa đường sắt sụt giảm.