Nếp đổ rác sinh hoạt

Với những người làm công việc văn phòng theo giờ hành chính, vấn đề kẹt xe, mất thêm thời gian đón con ở trường có thể khiến việc về nhà trễ hơn so với giờ đổ rác. Thực tế này nếu xảy ra thường xuyên sẽ dẫn tới những phương thức xử lý khác nhau.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Những chiếc xe chở rác quá tải, rác, nước thải rò rỉ ra đường, mất vệ sinh môi trường. Ảnh: Quang Hùng

Có người dồn rác lại, vài ngày mới bê khoảng 4-5 túi rác lớn ra đổ. Cách này khiến những chiếc xe chở rác quá tải, rác, nước thải rò rỉ ra đường, mất vệ sinh môi trường.

Có người chọn cách đổ rác từ sớm, trước thời điểm nhân viên thu gom rác làm việc. Cách này còn tệ hơn, khi mỹ quan vỉa hè, lòng đường bị bôi bẩn bởi những túi rác nhiều màu, chưa kể mùi hôi thối bốc lên nếu nắng nóng kéo dài. Những tấm biển cấm đổ rác sai giờ, sai quy định, kèm khuyến cáo phạt nặng khi phát hiện cũng trở nên vô dụng, khi ngay bên dưới là… núi rác.

Một số tuyến phố được bố trí thùng rác lớn cố định để người dân về muộn có nơi đổ rác hợp pháp. Song tình trạng đổ rác bừa bãi vẫn xuất hiện, có người đổ xong không đóng nắp thùng, người ngại đi bộ xa nên lén đổ trộm vào ban đêm.

Khó diễn tả nhất là cảm xúc của những gia đình có mặt tiền thoáng, sáng sớm vừa mở cửa, một đống rác đã đập vào mắt. Có hộ phải lắp thêm biển cảnh báo “Ở đây có camera giám sát, nghiêm cấm đổ rác” để ngăn ngừa nguy cơ trước cổng nhà trở thành bãi rác tự phát.

Có thể thấy, tư duy tùy tiện trong đổ rác, suy nghĩ “sạch ta, kệ người” vẫn khá phổ biến, đặc biệt ở những khu vực có nhiều ngõ ngách đan xen, hoặc khu vực có nhiều hộ ở trọ, di biến động dân cư.

Mặc dù Nghị định 155 năm 2016 quy định mức phạt lên đến 7 triệu đồng đối với cá nhân đổ rác không đúng giờ, nơi quy định, song số người bị xử phạt vẫn rất hiếm. Đa phần do cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố và người vi phạm đều là hàng xóm láng giềng nên cả nể, chủ yếu nhắc nhở, dẫn đến hiệu lực Nghị định còn yếu.

Do đó, vấn đề đổ rác sao cho văn nh ngoài góc độ điều chỉnh hợp lý, khoa học từ cơ quan chức năng, đơn vị thu gom rác, còn rất cần một nếp văn hóa từ phía cộng đồng dân cư và mỗi cá nhân, hộ gia đình.

Nhân viên văn phòng rất sợ đi làm muộn vì sự xuất hiện của máy chấm công. Liệu ở các khu dân cư, có cần một máy chấm công về việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định?

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: