Nắp cống ngăn triều trên sông Vàm Thuật bung nắp, hàng trăm hộ dân chạy lụt

VOVGT - Vào đêm 2/1 vừa qua, nắp cống ngăn triều trên sông Vàm Thuật, TP.HCM bất ngờ bị bung khiến hàng trăm hộ dân ở Quận 12 phải chạy lụt.

Sự cố nắp cống Cán Dù bị hư hỏng khiến nước tràn vào gây ngập nhà dân tại quận 12 tối 2/1. Ảnh: Vietnamnet

Liên quan đến vụ 2 nắp cống bị bật làm ngập gần 2 ha với hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng ở quận 12, bắt đầu từ hôm qua, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban nhân dân Quận 12 khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của người dân.

Trước đó, thời điểm hai nắp cống bị bật, nước thủy triều trên sông Sài Gòn đạt 1,48m, gần mức báo động 3. Hai cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập bờ hữu sông Sài Gòn bị bật nắp thuộc địa bàn 2 phường Thạnh Lộc và Thạnh Xuân, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Phần diện tích ngập ở phường Thạnh Lộc là hơn 1ha với khoảng 200 hộ dân bị ảnh hưởng. Nhiều tài sản và hoa màu của bà con bị chìm sâu. Trong đó, chỗ ngập sâu nhất khoảng gần 1m. Phường Thạnh Xuân bị ảnh hưởng ít hơn với khoảng hơn 30 hộ dân bị nước tràn vào nhà.

Theo Trung tâm chống ngập TP HCM, sự cố ngập nước ở quận 12 do cống Tầm Vu bị hư hỏng, còn cống Cán Dù có dấu hiệu bị xâm hại không hoạt động đúng thiết kế. Cụ thể, trả lời báo chí, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Chống ngập TP. HCM cho biết, hàng trăm nhà dân ở phường Thạnh Xuân và Thạnh Lộc (quận 12) bị ngập là do 2 cống ngăn triều ở rạch Tầm Vu và Cán Dù gặp sự cố khiến nước sông Vàm Thuật tràn vào. Theo ông Dũng, do cống ngăn triều Tầm Vu đã hoạt động hơn chục năm, bị nước ăn mòn cửa nên khi áp lực nước cao làm gãy trục, trôi cửa ra ngoài kênh.

Do đây là cống thủy lợi nên tạm thời Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn đã bố trí biện pháp tạm thời để ngăn triều xảy ra tối nay, không để nước gây ngập nhà dân. Sau đó sẽ kéo cửa cống cũ về để sửa chữa và lắp lại. Còn cống ngăn triều Cái Dù cũng được đưa vào sử dụng cách nay 7 năm, theo ghi nhận cửa cống có dấu hiệu bị một số người dân cạy, lấy đá chèn cửa lại khiến cống không hoạt động đúng thiết kế, bật ra ngoài. Hiện cửa đã được lắp lại", ông Dũng nói và cho biết trước đây cơ quan chức năng đã từng phát hiện một số trường hợp người dân trồng rau muống ở nội đồng can thiệp vào hoạt động tự nhiên của cống.

Mặc dù cống Cán Dù có dấu hiệu bị xâm hại khiến cống không hoạt động đúng thiết kế mới chỉ là một giả thiết, nhưng việc phá hoại các công trình như thế này không phải là chưa có tiền lệ. Vậy, những hành vi có tính chất phá hoại công trình gây hậu quả nghiêm trọng tương tự sẽ được xử lý theo khung hình phạt nào? Trả lời cho câu hỏi này, LS-ThS Luật học Phạm Thành Tài – GĐ Cty Luật Phạm Danh (Đoàn LSHN) cho biết:

"Với hành vi nêu trên có nhiều dấu hiệu để quy kết thành tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Còn theo Khoản 2 của Điều 143, trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị xử lý đến 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân."

Cũng theo quan điểm của Luật sư Phạm Thành Tài, hành vi cố ý hủy hoại tài sản có mức hình phạt tối đa có thể lên tới tù chung thân cũng là một mức xử lý đủ sức răn đe. Tuy nhiên, trong quá trình truy tố, xét xử, ngành chức năng cũng cần lưu ý một số điểm sau: "Hành vi cố ý hủy hoại tài sản có mức hình phạt tối đa có thể lên tới tù chung thân cũng là một mức xử lý đủ sức răn đe. Tuy nhiên, trong quá trình truy tố, xét xử, ngành chức năng phải đánh giá được chính xác được tính chất, hậu quả gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì mới áp dụng được khung hình phạt thích hợp."

Chị Lê Thị Hiền bất lực trước con nước ập vào cửa hàng khiến 1/2 số vải may mặc của gia đình bị hư hại. Ảnh: Vietnamnet

Về biện pháp khắc phục sự cố vỡ cống ngăn triều, Ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 12 cho biết, Hiện hơn 30 cán bộ, nhân viên của lực lượng phòng cháy chữa cháy, trung tâm chống ngập, dân phòng đang túc trực để giúp bà con bơm nước ra ngoài, nạo vét bùn, vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống. Ủy ban nhân dân 2 phường Thạnh Lộc và Thạnh Xuân cũng đang thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ cho bà con:

"Ngay khi xảy ra sự cố, chúng tôi đã đi đến từng nhà dân để hỗ trợ cho người dân, nâng các vật dụng lên và cảnh báo thiệt hại. Trong ngày hôm nay thì khu vực Thạnh Lộc sẽ được bơm hết nước ra ngoài để xử lý. Đối với cái nắp cống ngăn triều thì sẽ mang về sửa lại trong vòng 1 tuần phải xong." - Ông Phúc cho biết.