Nâng tầm thương mại điện tử: Cần bịt lỗ hổng thất thu thuế

Thương mại điện tử là mục tiêu phát triển kinh tế trong những năm tới. Để thị trường này phát triển đúng hướng và lành mạnh, nhà nước vẫn cần có những quy định và công cụ quản lý hiệu quả.

Ảnh nh họa: Doanh nghiệp và đầu tư

Trái ngược với cảnh ế ẩm, đìu hiu tại chợ truyền thống, chưa bao giờ thị trường thương mại điện tử lại sự sôi động, tấp nập như hiện nay khi nhà nhà, người người áp dụng các phương thức bán hàng trực tuyến.

Theo Sở Công thương TPHCM, thương mại điện tử năm 2023 của TPHCM tăng 37% so với cả nước, hàng trăm tỷ đồng thuế đã được thu. Riêng trong đợt mua sắm năm mới vừa qua, 77 phiên bán hàng trực tiếp livestream vào giữa tháng 12 đã giúp bán được 18.200 đơn hàng, thu về hơn 4 tỷ đồng cho các tiểu thương. Cho thấy người dùng Việt Nam đang mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội giải trí nhiều hơn trước.

Đây vừa là cơ hội phục hồi kinh doanh trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng cũng là thách thức trong công tác quản lý khi kinh tế số đang chuyển đổi mạnh mẽ.

Đó là việc quản lý các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, xác định được căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế. Việc kiểm soát dòng tiền và nguồn gốc, chất lượng hàng hóa cũng là câu chuyện không dễ dàng, do các giao dịch bán hàng online diễn ra mọi lúc, mọi nơi, thậm chí là giao thương xuyên biên giới.

Do đó, bên cạnh quy định hiện hành cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải đăng ký, kê khai thuế đầy đủ và các sàn có trách nhiệm cung cấp thông tin các cá nhân, doanh nghiệp này cho cơ quan Thuế thì việc Tổng cục thuế đề nghị cấm xuất cảnh và công khai danh tính đối với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế là đúng với quy luật thực tế. Chỉ có siết chặt các chế tài xử phạt thì mới hạn chế được hành vi trốn thuế.

Đó là với những người đã khai báo thuế. Thực tế hầu hết người kinh doanh online chưa nắm được hết các quy định về nghĩa vụ thuế nên không đăng ký kinh doanh, khai báo thuế. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất thu thuế. Vì vậy, nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền cũng như phát triển các công nghệ, ứng dụng hỗ trợ để doanh nghiệp và người dân thuận tiện trong việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử.

Ngoài ra, cơ quan quản lý Thuế, Bộ Công thương và các nhà mạng cần có thêm công cụ hiện đại để dò tìm phát hiện các giao dịch bán hàng trên mạng như thời gian, địa điểm giao dịch, phương thức giao nhận tiền – hàng. Nhất là sớm thúc đẩy xây dựng kho dữ liệu liên thông giữa các ngành công thương, ngân hàng, vận chuyển, để cơ quan Thuế, công an có thêm công cụ hiệu quả quản lý bán hàng online. Ngược lại, việc hiểu rõ vấn đề khai thuế, nộp thuế, chấp hành các quy định về kinh doanh là trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia bán hàng, thu lợi nhuận, để tạo sự cạnh tranh công bằng.

Cùng với đó, Bộ Công thương sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, chất lượng, công dụng sản phẩm có đúng với nhãn mác, thông tin quảng cáo. Phía người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông nh, sẳn sàng từ chối, không trả tiền nếu như nhận được những sản phẩm không đúng với quảng cáo của cơ sở kinh doanh. Điều quan trọng là người tiêu dùng cần lấy hóa đơn, đảm bảo rằng mình mua hàng của ai, ở đâu, như thế nào… làm cơ sở nhờ đến các cơ quan quản lý, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa./.