Nâng tầm thương hiệu Việt

Qua 10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tiếp sức cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, khẳng định vị thế, tiếp tục nâng tầm thương hiệu Việ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Sau 10 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm.

Người dân tìm đến siêu thị Co.opmart để mua hàng Việt - Ảnh: Tuổi trẻ

Bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đánh giá:

 

“Về hiệu quả của chương trình này, chúng tôi đánh giá, thứ nhất là doanh nghiệp Việt đã giữ vững được thị trường nội địa, thứ hai là người tiêu dùng cũng thay đổi hành vi nhận thức và các doanh nghiệp cũng tiếp tục được phát triển sản phẩm của mình trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu”.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã thành phố Hồ Chí Minh Saigon Co.op cho rằng, qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động, hàng Việt cũng đã tạo nên một vị thế mới trong con mắt người tiêu dùng Việt Nam cũng như thị trường quốc tế.

 

“Từ góc nhìn của Saigon Co.op, chúng tôi nhận thấy sau 10 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tạo nên một diện mạo khác biệt, đẳng cấp hơn cho hàng Việt cả về hình thức lẫn chất lượng và góc độ sáng tạo. Những tình cảm của người tiêu dùng Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với hàng hóa Việt Nam được vươn lên mạnh mẽ. Giá trị gia tăng của hàng Việt đã đóng góp chủ lực cho các chỉ tiêu kinh tế xã hội của Việt Nam, duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao”.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã và đang có những chủ trương, chính sách quyết liệt, rõ ràng, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Cuộc vận động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ… vẫn còn trên thị trường. Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng doanh nghiệp đã lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi, gây sự hoang mang, lo lắng, làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các sản phẩm sản xuất trong nước cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu. Trong khi phần lớn doanh nghiệp nước ta là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với quy mô, năng suất lao động còn thấp.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lưu ý:

 

“10 năm là 1 chặng đường nhưng đây là chặng đường đầu tiên là người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Giai đoạn 2 doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao ý thức về việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã của mình để không chỉ người tiêu dùng hàng Việt Nam, các doanh  nghiệp Việt Nam cần có những hàng hóa để chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam và hàng hóa Việt Nam. Các cấp, các ngành có hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, sản phẩm mẫu mã của mình và có sức cạnh tranh trong thị trường Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng để chinh phục người Việt Nam”.

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tổ chức vào tháng 8 vừa qua, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, việc thực hiện các thỏa thuận, hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tạo sức ép cạnh tranh lớn về sản xuất, thương mại. Sức ép và sự cạnh tranh trên thị trường nội địa sẽ ngày càng quyết liệt hơn. Chính vì vậy, Cuộc vận động cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa.

 

“Để người tiêu dùng trong nước tin và yêu thích dùng hàng Việt thì các doanh nghiệp, người sản xuất phải không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học - công nghệ, khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước và thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế".

Sau 10 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang bước sang một giai đoạn mới, Cuộc vận động sẽ không chỉ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà tiến tới hàng Việt Nam chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam. Cùng với đẩy mạnh công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, cơ quan quản lý nhà nước phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, để hàng Việt Nam chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam.