Nâng hạng thị trường chứng khoán, còn chờ gì?

Hai tổ chức xếp hạng TTCK là MSCI và FTSE Russell nhận định thị trường chứng khoán VN có nhiều dư địa tăng trưởng và phát triển ổn định. Việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi cũng nằm trong kế hoạch của Bộ tài chính và Uỷ ban chứng khoán nhà nước.

Vậy cần những yếu tố nào để sớm nâng hạng nhằm thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, nh bạch?

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, chỉ riêng dòng vốn đầu tư gián tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút khoảng 25 tỷ USD đến năm 2030. Việc nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi không những đem lại nhiều cơ hội cho TTCK Việt Nam, các chủ thể tham gia thị trường nói riêng, mà còn góp phần nâng cao hình ảnh, môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển nền kinh tế nói chung.

Ảnh: Quang Định

Nhìn lại hành trình đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường trong gần nửa năm qua, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng trong tiêu chí nâng hạng thì thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiệm cận với tiêu chuẩn của thị trường mới nổi hạng 2 của FTSE. Tuy nhiên, việc nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi hạng 2 mới chỉ là bước khởi đầu cho việc chúng ta được gia nhập thị trường mới nổi:

"Chúng ta đang còn hai vướng mắc hiện nay của tiêu chí nâng hạng này liên quan đến tỷ lệ ký quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài và tiêu chí về quy định thông tin tiếng anh để tạo sự bình đẳng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Để đạt những điều kiện cao hơn thì bắt buộc Uỷ ban chứng khoán và Bộ tài chính còn nhiều việc phải làm để đảm bảo tiêu chí, Trong đó có 1 tiêu chí rất khó mà hiện nay các tổ chức như MSCI và FTSE đòi hỏi yêu cầu khá cao là việc tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài."

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đăng tải Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Dự thảo thông tư sửa đổi có nhiều quy định mới nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản (Pre-funding) và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng. Về hoàn thiện chính sách hỗ trợ nâng hạng thị trường, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước cho biết thêm:

"Chúng tôi đã đăng tải lần 2 dự thảo thông tư - 1 thông tư sửa 4 thông tư trên trang web của Ủy ban để nhà đầu tư nước ngoài, các thành viên thị trường góp ý lần cuối. Cuối tháng này chúng tôi có 1 hội nghị xúc tiến đầu tư tại Singapore do Bộ trưởng Bộ tài chính chủ trì và chúng tôi sẽ quảng bá việc đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam cũng như lấy ý kiến lần cuối trước khi trình Bộ Tài chính ban hành."

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc Uỷ ban chứng khoán nhà nước ban hành thông tư sửa đổi 4 thông tư là một trong những giải pháp giúp đẩy nhanh việc thăng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên về căn cơ, để giải quyết được tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ vướng mỗi Luật chứng khoán mà còn vướng nhiều quy định luật khác như Luật doanh nghiệp,… Ngoài ra ông cho biết thêm:

"Còn có các điều kiện khác cũng khó khăn trong việc dòng vốn luân chuyển của VN ra nước ngoài và ngược lại. Như vậy chúng ta đang còn vướng mắc một số rào cản liên quan đến hoạt động luân chuyển dòng vốn trong đó có một số quy định của NHNN, cái này cũng là 1 tiêu chí cần xem xét đến để đảm bảo nâng hạng trong thời gian tới. Có thể nói đây là hai tiêu chí rất khó và khó nhất trong việc nâng hạng thị trường."

Một vấn đề khác cũng cần quan tâm là vốn hoá của thị trường. Với FTSE thì điều kiện vốn hoá dễ dàng nhưng với MSCI thì có nhiều vấn đề đặt ra như chất lượng hàng hoá niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam phân tích thêm:

"Hiện tại chúng ta thấy là đang có tới hơn 1700 mã cổ phiếu nhưng giá trị vốn hoá của chúng ta khá là thua kém với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia. Rõ ràng để đảm bảo tiêu chí này chúng ta cần giải quyết thêm những vấn đề liên quan đến niêm yết, thậm chí chúng ta phải niêm yết các DN nhà nước có giá trị mức vốn hoá lớn trong thời gian tới. Đó là những yếu tố cho việc nâng hạng thị trường."

Tính tại thời điểm cuối tháng 6/2024, thị trường chứng khoán Việt Nam có mức vốn hóa cổ phiếu đạt hơn 7 triệu tỷ đồng, tương đương 69% GDP. Giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay đạt gần 24.600 tỷ đồng/phiên, tương đương gần 1 tỷ USD/phiên; tăng 40% so với bình quân năm trước.

Phát biểu tại cuộc đối thoại Tháng 7 do Câu lạc bộ nhà báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp cho sự phát triển của thị trường chứng khoán đến nay khá vững chắc và khẳng định thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ có bước phát triển bền vững.

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhìn nhận: "Sự phát triển của thị trường được tập trung và quan tâm đến nâng hạng, gọi vốn, việc phát triển nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn nữa trên thị trường chứng khoán. Những yếu tố này vừa làm cho thị trường chứng khoán được nâng cao, chất lượng bền vững hơn, vừa là yếu tố giúp thị trường có chất lượng cao hơn.

Thị trường chứng khoán của chúng ta phải được nâng lên một bước sau hơn 20 năm ra đời và phát triển, khẳng định với nhà đầu tư và tổ chức quốc tế rằng để thị trường chứng khoán phát triển hơn thì cần phải được nâng hạng."

Việt Nam còn nhiều tiêu chí cần cải thiện để được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Market). Việc giải quyết trước mắt vấn đề prefunding, tiến tới sớm vận hành hệ thống giao dịch mới, triển khai lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh trong dự thảo Thông tư của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước sẽ là những điểm cộng tích cực trong đánh giá của MSCI, FTSE đối với Việt Nam thời gian tới./.