Nâng cao ý thức về an toàn cháy nổ tại các công trình xây dựng

Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn khiến người dân hết sức hoang mang và lo lắng. Đặc biệt, cháy nổ tại các công trình xây dựng cũng là một trong những vấn đề làm ‘đau đầu’ các cơ quan chức năng cũng như các nhà thầu và bản thân các công nhân xây

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn dễ xảy ra cháy, nổ tại các công trình đang xây dựng

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trong quá trình xây dựng có nhiều nguyên vật liệu dễ cháy, nổ được sử dụng như xăng, dầu, khí gas hoặc gỗ,...v.v. Ngoài ra, một số vật liệu khác như giấy dầu, liếp tre,.... cũng thường được sử dụng để làm lán trại cho công nhân. Nếu không thận trọng khi sử dụng các vật liệu này và không tuân theo các qui định về phòng chống cháy, nổ trên công trường thì nguy cơ xảy ra hỏa hoạn là rất lớn, có thể gây chết người, cháy nhà hoặc sập đổ công trình.

Điển hình vụ cháy tại 1 số công trình xây dựng lớn trên địa bàn TP. Hà Nội trong thời gian vừa qua, hay tại tổ hợp tòa nhà SHP trên đường Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng hồi tháng 8/2019, lại một lần nữa cảnh báo về nguy cơ cháy nổ tại công trình đang xây dựng hiện nay.

Từng chứng kiến một sự cố cháy nổ khi thi công một công trình nhà cao tầng ở địa bàn Q. Cầu Giấy (Hà Nội), anh Nguyễn Hồng Minh – Trưởng đội thi công công trình – Công ty JobStreet kể lại: "Hôm đấy, mấy anh chị em nấu cơm ở khu nhà gần công trình thì gió to bay tàn lửa vào khu nhà nên mới cháy. Anh em cũng ra cứu hộ dập lửa ngay thì không có hậu quả gì, nhưng mà do bất cẩn đun nấu nên là chúng tôi cũng thường xuyên nhắc anh chị em là phải cẩn thận".

Theo đánh giá của Thượng tá Nguyễn Thành Vinh - Phó trưởng Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội), các nguy cơ cháy, nổ tại công trình xây dựng, có thể do chủ quan của con người hoặc phát sinh trong quá trình sản xuất hoặc sinh hoạt. Do đó, phòng chống cháy, nổ trên công trường là một việc làm quan trọng để đảm bảo an toàn lao động.

Cụ thể, ngọn lửa có thể phát sinh khi dự trữ, bảo quản và vận chuyển nhiên liệu không cẩn thận, không thận trọng khi dùng lửa, sử dụng điện, hoặc cũng có thể xuất phát từ những lán trọ, nhà trọ của công nhân.

Thượng tá Nguyễn Thành Vinh cho biết: "Trong quá trình xây dựng có nhiều nguyên vật liệu dễ cháy, nổ được sử dụng như xăng, dầu, khí gas hoặc gỗ,... Ngoài ra, một số vật liệu khác như giấy dầu, liếp tre,.... cũng thường được sử dụng để làm lán trại cho công nhân. Nếu không thận trọng khi sử dụng các vật liệu này và không tuân theo các qui định về phòng chống cháy, nổ trên công trường thì nguy cơ xảy ra hỏa hoạn là rất lớn, có thể gây chết người, cháy nhà hoặc sập đổ công trình".

Trước những nguy cơ nêu trên, Thượng tá Nguyễn Thành Vinh khuyến cáo, đề phòng tai nạn cháy, nổ là một hệ thống các biện pháp về tổ chức và kỹ thuật không những nhằm ngăn ngừa xảy ra cháy, nổ mà còn hạn chế cháy lan, tạo điều kiện dập tắt đám cháy có hiệu quả và thoát người an toàn khi có cháy, nổ: "Theo quy định, đối với các công trình xây dựng, đặc biệt là tòa nhà cao tầng phải ban hành các quy định về an toàn PCCC trong quá trình thi công; nhà thầu, đơn vị thi công phải có trách nhiệm thông báo, phổ biến đến các cán bộ, công nhân viên, công nhân trên công trường chấp hành các quy định về PCCC; phải thành lập đội PCCC cơ sở và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cơ bản cho các đội viên để có thể xử lý kịp thời các tình huống, sự cố ngay khi mới phát sinh".

Để ngăn chặn nguy cơ các công trình xây dựng, mỗi chủ đầu tư, người dân cần chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy, đồng thời lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm như báo cháy tự động…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó chú trọng khâu thực hành để nâng cao ý thức cho mọi người trong việc chấp hành nghiêm quy định về PCCC. Bởi, việc hạn chế tối đa cháy, nổ phải xuất phát từ ý thức người dân chứ không thể dựa vào máy móc.

Một số thông tin về công tác PCCC tuần qua

# Theo thống kê của Phòng CS PCCC&CNCH CA TP Hà Nội, trong tuần vừa qua, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 8 vụ cháy (1 vụ cháy trung bình, 7 vụ cháy nhỏ). Ngoài ra còn có 8 vụ chập điện trên cột, 19 sự cố khác.

# Nhằm ứng phó các sự cố thiên tai, chủ động các biện pháp sẵn sàng xử lý sự cố về cháy, nổ tìm kiếm cứu nạn, ngày 14/11, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Ba Đình đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức diễn tập phương án phòng chống thiên tai, chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn năm 2020.

# Vào khoảng 8h30 ngày 12/11, tại phòng 207 nhà B2, ngõ Trại Găng, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bất ngờ bốc cháy dữ dội. Phát hiện hỏa hoạn, CAP Thanh Nhàn, khẩn trương xuống hiện trường, phối hợp Đội Cảnh sát PCCC và CNCH CAQ Hai Bà Trưng giải cứu thành công 4 người mắc kẹt trong đám cháy./.