Nằm im mặc kệ, thịnh vượng ai lo?

Trào lưu “nằm im, mặc kệ” của giới trẻ một số nước được nhắc đến vài tháng nay, nhất là từ làn sóng dịch bệnh thứ tư với những biến cố dữ dội mà nó gây ra trên toàn cầu.

Ảnh nh họa: SCMP

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Một bộ phận giới trẻ bắt đầu lựa chọn lại về hướng đi và trạng thái cuộc sống của mình. Họ từ chối những guồng quay công việc bất tận mà không biết điểm dừng ở đâu.

Họ từ chối lao động quần quật chỉ để cố gắng mua nhà, chi trả những hóa đơn đắt đỏ. Họ nghi ngờ định nghĩa thành đạt gắn với nhiều tiền, công việc danh giá, địa vị xã hội cao.

Họ tự hỏi, tất cả những thứ đó để làm gì, khi mà cuối cùng, trong dịch bệnh hoặc thảm họa thiên tai, ai rồi cũng phải đối diện với cái chết, với nỗi sợ xa người thân, hoặc tiếc nuối vì chưa kịp làm những gì mình muốn.

Những người cả lo sẽ cho rằng như vậy là ích kỷ. Các nhà chức trách có thể quan ngại xu hướng này ảnh hưởng đến mục tiêu thịnh vượng của xã hội.

Song, dù thế nào thì đó vẫn là xu hướng tất yếu xuất hiện trong tiến trình vận động xã hội cũng như bản thân mỗi người. Điều quan trọng là bạn nhận thức nó ra sao. Đừng vội coi là một phát kiến, vì để “nằm yên không làm gì” mà không trở thành gánh nặng cho ai, có lẽ phải chuẩn bị rất nhiều thứ.

Cũng đừng vội sốt sắng lo ngại, bởi về lý thuyết, khi mỗi cá nhân tự lo ổn được cho mình mà không phương hại đến xung quanh, thì cộng đồng sẽ ổn. Các mục tiêu thịnh vượng, xét cho cùng, cốt lõi vẫn là chỉ số hạnh phúc cá nhân. Và khi có những người sẵn sàng từ chối áp lực công việc, thì cũng là lý do để người tạo ra hoặc quản lý những áp lực đó phải xem lại.

Thành thực đi, đừng nói rằng bạn chưa từng trải qua cảm giác muốn buông xuôi vì quá mệt. Nhưng sở dĩ chúng ta đã không nằm yên được lâu, vì thấy mình còn cần cho ai đó.

Bởi vậy, nếu bạn là phụ huynh và lo ngại con em mình lựa chọn “nằm im mặc kệ”, hãy thử nhẹ nhàng đánh thức trong chúng tình yêu thương và trách nhiệm tự thân.