Năm 2024 sẽ nâng tốc độ giới hạn các tuyến cao tốc từ 80 lên 90 km/h

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết sau khi rà soát tiêu chuẩn, dự kiến đầu năm 2024 sẽ thay đổi tốc độ giới hạn các tuyến cao tốc từ 80 lên 90 km/h.

Chất vấn Bộ trưởng GTVT tại Quốc hội chiều 6/11, đại biểu Trần Quang Minh (tỉnh Quảng Bình) đặt câu hỏi về việc tại sao nhiều tuyến đường cao tốc đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80 km/giờ.

Theo kết quả nghiên cứu, các tuyến cao tốc hiện đang quy định tốc độ tối đa 80 km/giờ có thể nâng lên 90 km/giờ - Ảnh nh họa

“Điều này là chưa tối ưu vận tải và thời gian lưu thông. Do đó đề nghị bộ trưởng cho biết, thời gian tới có điều chỉnh tốc độ trên đường cao tốc để giảm áp lực lưu thông, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A hay không", ông Minh đặt câu hỏi.

Trả lời đại biểu Trần Quang Minh, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là 120 km/giờ, 100 km/giờ, 80 km/giờ và 60 km/giờ. Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch thì có thể chạy tối đa 120km/giờ như tuyến Hạ Long – Móng Cái, Hà Nội – Hải Phòng.

"Tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ chạy tối đa 100 km/giờ nhưng Cầu Giẽ - Ninh Bình là 120 km/giờ. Chỉ cần thêm yếu tố có độ nhám thì tốc độ tối đa từ 100 có thể lên 120km/giờ", Bộ trưởng GTVT lý giải.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, từ đầu năm 2023, Bộ GTVT đã cho nghiên cứu rà soát các tiêu chuẩn có phù hợp với thực tế hay chưa.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các tuyến hiện đang quy định 80 km/giờ có thể nâng lên 90 km/giờ. Các dải tốc độ khác thì chúng ta vẫn phải chấp hành, tuân thủ các quy chuẩn.

"Bộ đã rà soát tiêu chuẩn và thấy rằng các tuyến 80 km/h có thể nâng lên 90 km/h. Dự kiến đầu năm 2024, chúng tôi sẽ thay đổi tốc độ giới hạn các tuyến cao tốc từ 80 lên 90 km/h", ông Thắng cho hay.

Cũng liên quan đến vấn đề đường cao tốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trong nhiệm kỳ này, đã dành trên 375.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu là xây dựng hệ thống đường cao tốc. Tuy nhiên, việc xây dựng mới chỉ đạt hơn 70% nhu cầu. Việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi.

Ông Thắng lấy ví dụ nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều phải thực hiện phân kỳ đầu tư (đầu tư đường cao tốc không có làn xe khẩn cấp) đối với các tuyến đường cao tốc. trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước, Bộ GTVT đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo những nguyên tắc để đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng cũng tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi có nguồn lực để nâng cấp.