Muốn nhập ô tô, doanh nghiệp phải có ít nhất 1 cơ sở bảo hành

VOVGT – Nghị định nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước cũng như trách nhiệm bảo vệ môi trường của các nhà nhập khẩu ô tô…

Doanh nghiệp hết lý do 'chối' trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng

Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có ít nhất 1 cơ sở bảo hành - Ảnh nh họa

Liên Bộ Công Thương - Bộ Giao thông vận tải vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các nội dung liên quan đến điều kiện kinh doanh ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô.

Còn Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm đối với nội dung về điều kiện kinh doanh ngành nghề bảo hành, bảo dưỡng ô tô; đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Theo đó, hiện nay, chưa có các quy định chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của các nhà nhập khẩu ô tô nhằm bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng trong nước cũng như trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Ví dụ như một số xe ô tô nhập khẩu phát sinh lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất của hãng, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và an toàn của người sử dụng và cộng đồng, tuy nhiên không có doanh nghiệp nhập khẩu nào chịu trách nhiệm triệu hồi, sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng.

Trong khi đó ở các nước trên thế giới, xe ô tô nhập khẩu khi phát sinh các lỗi kỹ thuật tương tự được triệu hồi và sửa chữa ễn phí.

Chính vì vậy, quy định về điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương đối với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nguyên chiếc là: Chỉ thương nhân là doanh nghiệp mới được xem xét cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô.

Đặc biệt, doanh nghiệp phải có ít nhất một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu và đủ điều kiện theo quy định mới được phép nhập khẩu và được cấp Giấy phép nhập khẩu ô tô.

Cụ thể, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có thể lựa chọn 3 hình thức: Một là sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; Hai là thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm; Ba là cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp nhập khẩu.

Song, đến năm 1/7/2020, tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu bắt buộc phải sở hữu tối thiểu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng để bảo vệ lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi xe khi có lỗi.

Tạo bình đẳng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu

Ảnh nh họa

Theo nội dung tại Dự thảo Nghị định trên, đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước: Để sản xuất lắp ráp ra một kiểu loại xe doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục như: thử nghiệm động cơ, thử nghiệm các linh kiện bao gồm gương, kính, đèn, lốp, bình khí, bình nhiên liệu…, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất (đánh giá COP) đối với linh kiện…

Vì vậy, các quy trình, thủ tục liên quan đến đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với việc kiểm tra chất lượng linh kiện, phụ tùng và xe đưa vào lưu thông đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện nay chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Đối với ô tô nhập khẩu: Các quy định hiện hành đối với việc kiểm tra, kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô nhập khẩu chưa bảo đảm sự chặt chẽ, nghiêm ngặt, chưa bảo đảm việc hạn chế các dòng xe nhập khẩu kém chất lượng lọt vào thị trường nội địa gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như an toàn môi trường.

Chính vì vậy, cần thiết phải hoàn thiện các quy định về bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô, để không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kinh doanh, tạo sự bình đẳng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.