Mừng tuổi

Cá nhân tôi cũng cảm thấy tương đối “nản” mỗi khi Tết đến xuân về, nhất là khi nhìn thấy các cháu, các em nhỏ mở phong bì lì xì ra ngay trước mặt mọi người, rồi xem có bao nhiêu tiền, hoặc là cuối dịp Tết, bọn trẻ ngồi đếm xem là năm nay được mừng tuổi bao nhiêu...

Ảnh nh họa: ChatGPT

Mấy năm trước, gia đình tôi có một chuyến đi rất thú vị đến Mỹ. Chúng tôi đi vào dịp Tết và được mời dự một bữa cơm đầu năm của một gia đình. Có thể gọi đây là một gia đình quốc tế, vì không chỉ là một gia đình Việt Nam mà có nhiều thành viên trong gia đình, gồm các bác, con rể, con dâu là những người nước ngoài.

Đó là một trong những gia đình Việt Nam đầu tiên đến sống ở thành phố Portland (Oregon) và mọi người vẫn giữ những phong tục truyền thống. Hôm đó, dù là ngày mồng 1 Tết Âm lịch, nhưng một ngày đi làm bình thường ở Mỹ, nhưng gia đình vẫn giữ truyền thống có một bữa cơm tối trong ngày đầu năm

Ở đó, chúng tôi được chứng kiến một phong tục được gìn giữ và được thực hành từ rất lâu, đó là phong tục chúc Tết và lì xì.

Trước đó, là một bữa cơm tối vui vẻ, mọi người kể về những gì đã qua trong một năm, những gì kỳ vọng cho năm tới, một không khí rất quen thuộc với mọi gia đình Việt Nam.

Ảnh nh họa: ChatGPT

Sau bữa ăn, mọi người ngồi uống trà và lúc đó mọi người bắt đầu lì xì cho con trẻ. Tất cả những người lớn và cả chúng tôi là khách, cũng được chia ra, tôi với vợ tôi là người lớn cũng được mời ngồi vị trí của người lớn, còn trẻ em sẽ chờ đến lượt lì xì.

Chúng tôi ngồi thành một vòng tròn, còn trẻ em từ lớn đến bé lần lượt đi đến từng người để chúc mừng năm mới. Các cháu chúc các ông bà, chú bác chúc mạnh khỏe, nói những lời chúc năm mới cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Lúc đó, những người lớn cũng chúc lại các cháu vui vẻ, chăm ngoan, học giỏi, hạnh phúc và mọi người tặng cho các cháu một phong bao lì xì. Cá nhân tôi, lúc đó tôi rất suy nghĩ và rất ngạc nhiên. Thứ nhất là bởi vì một gia đình đã định cư ở Mỹ lâu đến vậy, trong gia đình có phân nửa là những người nước ngoài, đa số người lớn còn được sinh ra ở trên đất Mỹ, nhưng họ vẫn giữ được phong tục như vậy.

Không có chuyện trẻ con mở lì xì ra và xem có bao nhiêu tiền, xem ai cho mình bao nhiêu tiền. Tất cả mọi người đều rất trân trọng khoảnh khắc đó. Việc mừng tuổi cho trẻ em bắt đầu bằng việc là các cháu nói những lời chúc mừng năm mới, lời chúc phúc với những người lớn tuổi, rồi nhận lại những lời chúc của những người lớn tuổi kèm theo phong bao lì xì nhỏ.

Tuy nó không phải là món quà mang giá trị vật chất, nhưng đó giá trị tinh thần, hơn rất là nhiều so với việc xem cái phong bì đó có bao nhiêu tiền, hoặc xem người đưa cho mình lì xì bao nhiêu tiền.

Ảnh nh họa: ChatGPT

Thực ra, cá nhân tôi cũng cảm thấy tương đối “nản” mỗi khi Tết đến xuân về, nhất là khi nhìn thấy các cháu, các em nhỏ mở phong bì lì xì ra ngay trước mặt mọi người, rồi xem có bao nhiêu tiền, hoặc là cuối dịp Tết, bọn trẻ ngồi đếm xem là năm nay được mừng tuổi bao nhiêu tiền, cháu này được mấy trăm nghìn, mấy triệu, mấy chục triệu, mấy trăm triệu…

Đôi khi, mọi người coi đó như một chỉ dấu của một sự vui vẻ, thành công đầu năm và khi thấy cái lì xì tiền mừng tuổi có giá trị nhỏ thì các cháu không vui.

Thật là tiếc! Tôi nghĩ, một phong tục như vậy, một thói quen đẹp đẽ như vậy đáng lẽ nên được gìn giữ, nên được thực hiện như trong câu chuyện của một gia đình Việt kiều xa xứ đã nhiều năm mà tôi được chứng kiến.

Thực ra, sau khi chứng kiến câu chuyện như vậy, tôi cũng đã cố gắng, nỗ lực để làm những cách như vậy. Tất nhiên không phải năm nào, không phải lúc nào tôi cũng thành công. Nhưng tôi nghĩ, nếu như càng có nhiều người, có nhiều gia đình tiếp cận theo cách như vậy, thì có lẽ sẽ vui hơn, hay hơn, đâu đấy Tết sẽ hạnh phúc hơn cho tất cả mọi người.