Mua cho học sinh mượn: Làm sao để phù hợp với một chương trình nhiều bộ sách?

Bộ GD-ĐT đang chủ trì, phối hợp hoàn thiện dự thảo phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa cho học sinh mượn để báo cáo Chính phủ. Đây được coi là chủ trương đúng đắn, nhân văn, giúp mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục phổ thông của trẻ em, nhất là ở các địa bàn khó khăn.

Tuy nhiên triển khai thế nào để trúng đối tượng và đảm đảm bảo phù hợp với tinh thần một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, tránh lãng phí? Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội xung quanh nội dung này.

 

PV: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần, lâu dài?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga:  Về đề xuất này của Bộ GD-ĐT, tôi đánh giá là tích cực, mang tính nhân văn khi chúng ta trang bị sách giáo khoa cho học sinh mượn, thay vì phải mua. Tuy nhiên, không nên trang bị một cách đồng loạt.

Bởi với học sinh nghèo, gia đình khó khăn, đông con đến trường, mấy trăm nghìn một bộ sách giáo khoa là một khoản mua sắmđầu năm học không phải là nhỏ. Nhưng với những gia đình có điều kiện, gia đình ở thành phố số tiền đó không đáng kể, họ không có nhu cầu mượn sách.

Vì thế khi chúng tra quyết định trang bị tủ sách giáo khoa dùng chung, tủ sách cho mượn thì phải phân loại được đối tượng để chốt được số lượng.

Nếu trang bị một cách ồ ạt sẽ mất đi ý nghĩa và thậm chí trở thành vô nghĩa khi người ta không có nhu cầu mà chúng ta trang bị thì rất lãng phí.

Bộ GD-ĐT đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước để mua SGK, đưa vào thư viện các trường học cho HS mượn. Ảnh: Thanh niên

PV: Theo bà việc trang bị bộ sách giáo khoa dùng chung sẽ gặp những khó khăn gì? Và liệu có đúng với tinh thần một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nữa không?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Khi chúng ta trang bị bộ sách dùng chung nó có rất nhiều khó khăn, vì hiện nay có rất nhiều bộ sách giáo khoa. Ví dụ, môn toán có thể các thầy chọn bộ sách A, nhưng môn văn lại chọn bộ sách B. Như vậy, khi trang bị bộ sách giáo khoa dùng chung, chúng ta sẽ phải mua một số lượng khổng lồ, nghĩa là phải mua tất cả các bộ.

Đó là một sự lãng phí không cần thiết. Nếu buộc phải chọn một bộ sách giáo khoa thống nhất thì lại không có ý nghĩa đối với chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.

Còn một vấn đề nữa, ngành giáo dục phải tính đến vấn đề nhân lực, hiện nay ngành giáo dục vẫn đang thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt là thiếu giáo viên.

Theo quy mô của các trường sẽ có một nhân viên thư viện, thế nhưng, do thiếu giáo viên rất nhiều nên nhân viên thư viện đôi khi phải làm kiêm nhiệm. Nên nếu trang bị sách giáo khoa như thế thì chúng ta phải tính bộ máy nhân lực để đảm nhiệm việc đấy.

Với một lượng sách giao khoa khổng lồ như thế, ai đi lấy sách, ai nhận sách về, tổ chức cho các cháu mượn, tổ chức kiểm tra và thu sách về…không hề đơn giản, tốn rất nhiều thời gian và công sức, đã tính đến chuyện nhân lực này chưa?

Hơn thế nữa, về phía học sinh sẽ rất bị động, bởi đã là mượn thì phải có thời điểm, nhưng nhu cầu hiện rất khác nhau.

PV: Vậy làm thế nào để đảm bảo sự phù hợp, tránh lãng phí?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Cách làm hợp lý nhất để tránh sự lãng phí là chúng ta phải nắm bắt nhu cầu của học sinh và phải có một cuộc khảo sát thực sự nghiêm túc, trang bị đúng cho đối tượng cần thì đấy là hành động rất nhân văn.

Nhưng nếu trang bị một cách ồ ạt cho cả những đối tượng không cần thì đó là một sự lãng phí.

PV: Xin cảm ơn bà