Một ngày không mạng xã hội

“Bạn đang nghĩ gì?” Đó là câu Facebook hỏi mỗi khi bạn và hàng tỷ người dùng khác bật trang cá nhân. Câu trả lời sẽ cho thấy tâm trạng, cuộc sống của bạn ra sao.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Ngay cả khi bạn không trả lời, các thuật toán trí tuệ nhân tạo kết hợp với hành vi theo dõi người dùng vẫn giúp các mạng xã hội hiểu bạn hơn những gì bạn nghĩ: từ tên tuổi, nghề nghiệp, đến sở thích, thu nhập, thời gian bạn mua sắm nhiều nhất...

Càng gắn bó, tỉ lệ người dùng lệ thuộc, nghiện mạng xã hội càng cao là vì vậy. Đến nỗi, youtube phải đặt khuyến cáo khi người dùng xem video kéo dài, còn tiktok bị nhà chức trách buộc ngừng hẳn màn hình, giới hạn thời gian xem liên tục.

Làm sao để thoát khỏi thói quen nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại, hoặc “lướt phây” xuyên đêm? Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày không còn mạng xã hội?

Thử tưởng tượng, bạn sẽ gọi điện, gặp mặt thường xuyên người bạn thân mà bấy lâu chỉ liên lạc bằng messenger. Bạn sẽ không lo bị ai đó dễ dàng “truy” lý lịch, sẽ không gặp căng thẳng, trầm cảm khi lặp đi lặp lại hành vi vô bổ lướt newsfeed, đỡ bị ám ảnh bởi những gì người khác nghĩ về mình.

Khoa học đã chứng nh: việc tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với người thân, đồng nghiệp, các hoạt động mang tính xã hội cao sẽ giúp các mối quan hệ thực chất, bền vững hơn, con người sẽ bớt “ảo”, giúp tái tạo năng lượng thể chất và tinh thần.

Tất nhiên, cực đoan tuyệt giao mạng xã hội lúc này là không tưởng, khi liên lạc online đang rất thiết yếu trong mùa dịch. Bạn có thể lựa chọn các khoảng thời gian nhất định offline hoàn toàn, để bớt lệ thuộc vào mạng và tận hưởng cuộc sống.

Khi bạn online vừa phải, điều độ, mạng xã hội sẽ trở về đúng mục đích mà nó được thiết kế, đó là phục vụ, chứ không phải điều khiển con người.