Một bên tang thương, một bên ân hận

Những ngày qua, diễn biến vụ việc tài xế xe Mercedes truy đuổi, tông chết người ở TP. Phan Thiết đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Video ghi lại cảnh tài xế lái Mercedes-Benz tông chết người trước quán nhậu ở TP.Phan Thiết

Có thể cấu thành tội... Giết người?

“Không ai muốn giết người cả. Nhưng dồn người ta vào đường cùng rồi thì biết phải làm sao”.

“Cũng có thể coi đây là hành động tự vệ quá mức trong trạng thái tinh thần hoảng loạn khi bị đe doạ bởi số lượng lớn người dùng chất kích thích”.

“Tội cho anh tài xế (ô tô) bị dồn đến đường cùng. Mình nghĩ lúc đó mà anh tài xế bình tĩnh hoặc những người xung quanh báo công an ra xử lý thì mọi chuyện đã tốt hơn”.

"Không tự bảo vệ mình thì có lẽ cũng bị đánh cho gần chết, mà tự bảo vệ mình thì lỡ làm người ta chết. Sự việc ở đây đúng sai chưa biết, nhưng chắc chắn anh lái xe Mercedes phải bị kích động dữ lắm mới có hành động như vậy. Trước tiên nên tìm hiểu xem cái "nhóm người đuổi theo" kia như thế nào đã. Nhiều vụ bị đánh hội đồng nếu cứ "nhẫn nhịn" lắm và cũng không ít trường hợp người "nhẫn nhịn" lại là người mất mạng. Anh này có xe nên mới lên xe mà thoát được, chứ nếu không có xe thì cũng chưa biết người nằm đất là ai đâu!".

Nêu quan điểm về sự việc, Luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, liên quan đến vụ việc tài xế lái Mercedes chạy vòng vòng tông chết người ở Phan Thiết, để xác định tội danh, mức án phạt của người lái xe sẽ căn cứ theo kết luận điều tra của cơ quan điều tra.

“Tuy nhiên, do không được tiếp xúc với hồ sơ vụ án, nên căn cứ vào các thông tin, hình ảnh mà tôi có được, theo quan điểm của tôi thì hành vi của người lái xe trong vụ việc này có dấu hiệu cấu thành tội Giết người”.

Người lái xe đã có hành vi chạy xe ô tô đâm vào nạn nhân dẫn đến hậu quả dẫn đến chết người xâm phạm đến tính mạng con người. Hơn nữa, trước đó người lái xe này đã chạy xe vòng vòng nhằm đâm mọi người xung quanh cho đến khi đâm chết người mới bỏ chạy, do đó có thể thấy người lái xe đã thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp.

Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 601 Bộ luật dân sự 2015, thì phương tiện giao thông vận tải cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ và chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định pháp luật.

Người lái xe có đủ năng lực nhận thức về hậu quả của hành vi dùng xe ô tô đâm vào người khác sẽ có thể gây hậu quả chết người, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.

Tùy thuộc vào kết quả điều tra thì hành vi phạm tội của người lái xe trong vụ việc này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hoặc tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động quy định tại Điều 125 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 do trước đó nạn nhân cùng một nhóm đối tượng đã có hành vi dúng bàn ghế, mũ bảo hiểm tấn công người lái xe này trước.

Căn cứ theo quy định về tội Giết người tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, tùy thuộc vào các tính tiết tăng nặng, giảm nhẹ của vụ án, người lái xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án phạt tù từ 7 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Căn cứ theo quy định tại Điều 125 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, thì người lái xe có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Đối với hành vi đánh nhau, gây rối trật tự công cộng của các nhóm đối tượng gây hậu quả nghiêm trọng các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Còn nếu việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội. So với tội giết người, thì sự cố ý trong trường hợp gây thương tích mức độ nguy hiểm có thấp hơn vì người phạm tội chỉ mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe chứ không mong muốn nạn nhân chết.

Điều 135. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh:

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người.

Video ghi lại cảnh trước đấy, tài xế Mercedes bị nhóm thanh niên quây đánh

Bạo lực chưa bao giờ là giải pháp tốt

Như đã thông tin, tài xế Phạm Văn Nam (SN 1979, quê Ninh Bình) là nghi phạm đã lái xe Mercedes đâm ông Hà Xuân H. (SN 1979, ngụ TP Phan Thiết, Bình Thuận) tử vong rạng sáng ngày 12/5.

Tại cơ quan công an, Phạm Văn Nam khai nhận, tối 11/5, Nam cùng 3 người bạn đi ăn nhậu tại một quán ở phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết. Đến khoảng 0h15 sáng 12/5, Nam cùng nhóm bạn ra đường Phạm Văn Đồng (khu vực bờ kè Phan Thiết) để ăn uống tiếp.

Trên đường đi, xe ô tô của nhóm suýt xảy ra va chạm với xe máy chạy cùng chiều phía trước. Do sự cố chưa xảy ra nên ô tô này tiếp tục chạy đến quán ăn ở khu vực bờ kè Phan Thiết.

Khi vừa dừng xe trước quán ăn, nhóm của Nam bị những người đi xe máy đuổi kịp, dùng bàn ghế, ly chén lao vào hành hung. Nam thoát ra được và lên ô tô, điều khiển xe chạy lòng vòng đâm vào nhóm người đi xe máy làm ông H. tử vong tại chỗ.

Trích dẫn một đoạn chia sẻ của FB Nguyen Khanh nhận định: “Hành vi của anh tài xế rõ ràng là sai trái. Ai cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình và cơ quan điều tra, tố tụng sẽ làm sáng tỏ và xét xử đúng người đúng tội. Tuy nhiên, đây cũng là bài học cho những người thích thể hiện và hùa nhau bắt nạt, gây hấn đánh người.

Hành vi nóng nảy dẫn đến hậu quả đáng tiếc của tài xế Nam là sai trái nhưng đặt trong hoàn cảnh sự việc mới thấy phía nạn nhân tử vong cũng không hẳn là oan. Khi nạn nhân trước đó cầm nguyên một cái bàn inox sẵn sàng đứng trước đầu xe đang chạy trong trạng thái kích động mạnh để phang...

Hơn nữa, nếu xem clip kỹ sẽ thấy dù xoay vòng và phóng nhanh nhưng tài xế luôn nhiều lần phanh gấp khi thấy có người. Khả năng cao (cái này là tôi đoán) cũng chỉ muốn doạ đám đông nhưng tình huống bất ngờ xảy ra là một người trong quá trình đó đã ngã xuống nên chiếc xe theo đà đã vọt qua. Nói gì nói, mạng người là chuyện lớn. Cơ quan điều tra sẽ làm sáng tỏ vụ án bằng nghiệp vụ.

Bài học rút ra là hãy bình tĩnh trong mọi tình huống. Thông cảm khi đi xe máy bị ô tô vượt qua bắn nước vì nếu phanh gấp sẽ nguy hiểm. Thông cảm khi xuống dốc gặp xe leo dốc ì ạch ngáng đường vì đi nhanh sẽ dễ mất lái. Vì ai cũng từng bị nước bắn lên người, cũng từng đứng lại nhường xe đối diện. Nếu có va chạm mà hậu quả chả có gì thì bắt tay nhau rồi đi tiếp. Nhường nhau một chút thì đường xa cũng gần.

Bạo lực chưa bao giờ là giải pháp tốt. Một bên tang thương, một bên ân hận. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng. Cuộc đời thì chỉ có Enter chứ làm gì có đặc quyền Ctrl + Z”.