Mới có hơn 50% xe kinh doanh vận tải truyền dữ liệu hành trình

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đơn vị vừa có văn bản yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera trên hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải do đơn vị này quản lý.

Camera giám sát trên phương tiện vận tải sẽ truyền dữ liệu hành trình về các trung tâm điều hành giao thông. Ảnh tư liệu: Vân Sơn/Báo Tin tức

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều văn bản gửi các địa phương đề nghị tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm việc lắp đặt và truyền dữ liệu hình ảnh theo quy định. Tuy nhiên, theo dõi trên hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải cho thấy tỷ lệ phương tiện có truyền dữ liệu hằng ngày khoảng 50 - 55% tổng số phương tiện hiện có trên hệ thống.

Để tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thực hiện nghiêm việc lắp đặt và truyền dẫn đầy đủ, chính xác, kịp thời dữ liệu hình ảnh từ camera theo quy định. Các đơn vị kinh doanh vận tải tuyệt đối không đưa phương tiện thuộc đối tượng phải lắp camera nhưng chưa lắp đặt ra hoạt động kinh doanh vận tải.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải tăng cường theo dõi, khai thác, sử dụng dữ liệu trên hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera để phục vụ công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện việc rà soát và cập nhật đầy đủ thông tin của các phương tiện thuộc đối tượng phải lắp camera trên hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải", Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.

Theo ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, số xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo thuộc diện phải lắp camera trên cả nước là gần 207.000 xe.

Đến nay, tổng số phương tiện đã lắp đặt và truyền dữ liệu về hệ thống xử lý dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam khoảng trên 150.000 xe, tuy nhiên trong số này mới có 50-55% xe truyền dữ liệu hành trình.

Số phương tiện còn lại chưa lắp có thể do nguyên nhân đã ngừng hoặc chưa hoạt động kinh doanh vận tải trở lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nhiều lần có văn bản đôn đốc các Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm quy định về lắp đặt, khai thác, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera phục vụ quản lý vận tải theo quy định.

Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp không lắp đặt camera theo đúng quy định kể từ ngày 1/1/2022. Tuy vậy, đến nay vẫn còn khoảng 50.000 xe chưa lắp camera giám sát theo quy định.

"Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng và đưa vào sử dụng thử nghiệm hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải để tiếp nhận dữ liệu kể từ ngày 1/1/2022.

Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định, xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt hành trình trước ngày 1/7/2021.

Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500km. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, trật tự giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn xử phạt hành vi không lắp thiết bị này đến hết ngày 31/12/2021.

Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát khi tham gia giao thông hay không truyền dữ liệu sẽ bị xử phạt 1 - 2 triệu đồng đối với lái xe; 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân và 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera. Phương tiện bị thu hồi phù hiệu 1 - 3 tháng./.