Chia sẻ tại Tọa đàm "Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP" ngày 26/12, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, số lượng các sản phẩm OCOP hiện nay đang phát triển rất nhanh.
Tính đến giữa tháng 12/2023, cả nước có trên 11.000 sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, chất lượng các sản phẩm OCOP cũng được nâng cao và cải thiện, từ ứng dụng khoa học công nghệ đến bao bì mẫu mã.
"Về mặt thương mại có thể thấy, các sản phẩm OCOP giai đoạn đầu chủ yếu tập trung tại thị trường trong tỉnh, trong huyện. Nhưng đến hiện tại, rất nhiều sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng khắp trên cả nước, và đã có những sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường thế giới", ông Tiến chia sẻ.
Theo ông Tiến, với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, sản phẩm OCOP không chỉ phân phối tại các kênh truyền thống mà còn được đưa lên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt trong năm 2023 trên nền tảng TikTok Shop đã đạt doanh thu lên tới 100 tỷ.
Năm 2023, việc tổ chức 2 gian hàng tại các Hội chợ quốc tế ở Thái Lan và Milan cho thấy, các sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại tại thị trường trong nước mà còn được xúc tiến sang thị trường nước ngoài.
"Nói đến sản phẩm OCOP là nói đến văn hóa, giá trị truyền thống, do đó, chúng tôi cũng hướng tới các không gian OCOP, các khu trải nghiệm OCOP sẽ gắn liền với các lễ hội văn hóa, các lễ hội về du lịch thì thực sự sẽ tạo ra được dấu ấn rất tốt đối với người tiêu dùng", ông Tiến nêu giải pháp.
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp phân phối, ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho rằng, lợi thế của sản phẩm OCOP khi lên sàn thương mại điện tử là chất lượng không chỉ theo tiêu chí của sàn mà còn phải đáp ứng được tiêu chuẩn của các Bộ, ban, ngành và đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng là đúng giá trị. Các sản phẩm OCOP cũng là một sự bảo chứng cho sàn trong việc kết nối, tiêu thụ giữa chủ thể OCOP và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ông Thế Anh, do tập quán sản xuất, sản phẩm OCOP nhiều khi chưa đủ số lượng so với nhu cầu tiêu dùng khi được quảng bá rộng rãi trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, một trở ngại khác là vận chuyển các sản phẩm OCOP tươi, sống đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng còn khó khăn.
"Các sản phẩm nông sản chế biến khô thì công tác vận chuyển tương đối dễ, nhưng đối với các sản phẩm tươi, các sản phẩm sống và đã được dán mã, dán nhãn OCOP thì việc vận chuyển vẫn là thách thức đối với các sàn thương mại điện tử. Chúng tôi đang từng bước chuẩn hóa lại các quy trình. Trong đó hỗ trợ bà con nông dân sơ loại, phân loại, đóng gói để khi đưa vào hệ thống thì chất lượng của sản phẩm là tốt nhất", ông Thế Anh cho biết.
Ở góc độ đơn vị sản xuất, ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cho biết, ngoài kênh phân phối truyền thống, hiện nay trà shan tuyết Suối Giàng còn tham gia các kênh như trải nghiệm khách hàng, thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, hay đưa vào khách sạn 5 sao, hệ thống sân bay,… để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của mình.
"Nếu chúng ta chỉ tham gia có mặt ở trên sàn thương mại thôi thì chưa đủ mà cần phải có câu chuyện, phải triển khai các hoạt động bên lề chuyên nghiệp. Để thâm nhập thị trường quốc tế thì chúng ta cũng cần nghiên cứu thị trường xem thị trường đó họ cần tiêu chuẩn gì, bởi vì mỗi một quốc gia lại có tiêu chuẩn khác nhau", ông Đào Đức Hiếu phân tích.