Miền Bắc lạnh sớm, đà cho bệnh hô hấp gia tăng

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vừa đón đợt không khí lạnh đầu tiên, báo hiệu một mùa đông đến sớm. Nền nhiệt độ thay đổi trong thời tiết giao mùa những ngày gần đây đang khiến số người mắc bệnh về hô hấp phải khám và điều trị gia tăng, có nơi một bác sĩ phải phụ trách hàng chục bệnh nhân.

Bắt xe khách đi từ Thanh Hóa lên Hà Nội từ lúc gần 4 giờ sáng, anh Huy Hoàng trông rất mệt mỏi sau khi bị những cơn ho hành hạ mấy ngày và phải di chuyển một quãng đường rất xa.

Ngồi chờ ngoài phòng khám Bệnh viện Phổi Trung ương, Anh Hoàng cho biết: "Em bị viêm adan 4 ngày nay rồi, không ăn được cái gì. Nuốt nước bọt cũng đau mà bây giờ trong họng, lưỡi nó sưng. Sốt mấy ngày nay rồi, người lả đi. Bây giờ nặng quá nên phải ra Bệnh viện Trung ương xem thế nào".

Chị Nguyễn Mai, ở Hải Dương nấn ná dùng nhiều đơn thuốc khác nhau vẫn không thể chữa dứt điểm bệnh viêm họng. Mấy hôm nay thời tiết nóng lạnh thất thường, bệnh càng thêm trở nặng, chị Mai quyết tâm lên bệnh viện tuyến trung ương để bác sĩ “bắt đúng bệnh”: "Thời tiết đang chuyển mùa nên vẫn về vấn đề hô hấp. Bị tầm 2 tháng, từ đầu tháng 8. Khám ở tuyến dưới, ở huyện, thấy ho mua thuốc uống. Sang viện khám không đỡ lại đi lên đây. Ho với rát cổ, đau họng".

Gần 10h sáng 10/10, vẫn còn hàng chục bệnh nhân chờ lấy số, đăng ký khám tại BV Tai Mũi họng TW.

Ghi nhận tại khu vực lấy số, đăng ký khám tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương lúc gần 9 giờ 30 phút  trong ngày đầu tuần vẫn có khoảng 30 bệnh nhân ngồi chờ đăng ký khám, lấy số. Một số bệnh nhân cho biết, để được khám sớm, họ đã có mặt, xếp hàng từ 5h30-6h sáng, dù 7h30 sáng các bác sĩ mới bắt đầu khám.

Ngồi ở ngoài sân, anh Nguyễn Văn Hải, ở Gia Lâm, Hà Nội, cố ôm cô con gái 2 tuổi sát vào lòng để che gió và giữ ấm cho con, chỉ mong người nhà sớm hoàn thành thủ tục đăng ký khám để có thể đưa con vào trong phòng khám, tránh không khí lạnh đầu mùa: "Bị 4-5 hôm nay, ho, đau tai, sổ mũi. Đi mấy bác sĩ gần nhà nhưng không thấy đỡ nên cho ra viện. Đến đây từ 8h, vẫn đang xếp số. Cũng sốt ruột lắm vì giờ này vẫn ôm con không đi đâu được".

Theo các bác sĩ, thời điểm giao mùa, cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, thời tiết nên rất dễ mắc các bệnh hô hấp, đặc biệt là hô hấp trên. Người già và trẻ nhỏ là những đối tượng dễ có nguy cơ mắc cao nhất.

BS Chuyên khoa II Nguyễn Thị Ngoạn, trưởng một phòng khám tư nhân  cho biết: "Thời điểm giao mùa giữa đông và hè, giữa đông và xuân lượng bệnh nhân đường hô hấp cũng tăng lên.Viêm mũi, viêm họng, viêm tai, viêm phổi, viêm tiểu phế quản".

Theo BS Phạm Thị Kim Dung, Phó trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Xanh Pôn, sau đợt dịch covid kéo dài, sức đề kháng của nhiều bệnh nhi yếu đi, trẻ dễ mắc các bệnh mỗi khi thay đổi thời tiết.  Số lượng bệnh nhi đến khám về hô hấp đợt giao mùa này tăng gấp 3,4 lần so với các đợt giao mùa trước, trong đó nhiều nhất là trẻ mắc Adenovirut.

Khoa Nhi- Bệnh viện Thanh Nhàn đang rơi vào tình trạng quá tải. Tính đến cuối tháng 9,  khoa tiếp nhận khoảng 90-120 bệnh nhi, trong đó 2/3 mắc các bệnh về hô hấp. Mỗi bác sĩ đang đảm nhiệm chăm sóc cho khoảng 20 trẻ

Là tuyến cuối cùng, chuyên khám và chữa bệnh cho những bệnh nhân nặng, Bệnh viện Phổi Trung ương  tuy không có sự tăng đột biến về số người đến khám, nhưng số lượng các bệnh nhân nặng phải nhập viện có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương khẳng định, bệnh viện đã có những phương án để đảm bảo chất lượng phục vụ cho người bệnh: "Hiện nay, số lượng bệnh nhân cũng rất đông , khoảng 900-1000 bệnh nhân nằm nội trú, đến khám Khám bệnh khoảng 500 bệnh nhân/ ngày, đa số là các bệnh nhân nặng, phải vào viện, chăm sóc đặc biệt  tỷ lê cũng rất cao. Chúng tôi sẵn sàng tâm thế chuẩn bị về thuốc men, hậu cần, trang thiết bị để phục vụ cho bệnh nhân".

Theo Dự báo, mùa đông năm nay đến sớm, sắp tới Hà Nôi và các tỉnh phía Bắc còn đón nhiều đợt không khí lạnh, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần tăng cường sức đề kháng, không nên thay đổi nhiệt độ đột ngột hay để phòng ngủ có gió lùa.

Khi có các dấu hiệu viêm đường hô hấp nên có sự thăm khám và tư vấn trực tiếp của các bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc kháng sinh ngoài hiệu thuốc tránh tình trạng bị nhờn thuốc. Đặc biệt cần theo dõi sát sao người già và trẻ nhỏ khi bị ốm và đưa đến cơ sở y tế kịp thời./.