Từ dấu mốc mang ý nghĩa lịch sử này, người dân TP.HCM gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào những bước chuyển mình của giao thông đô thị hiện đại.
Có mặt tại ga Bến Thành từ 6 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Cường (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cùng các đồng đội không giấu nổi niềm xúc động. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, giấc mơ về một hệ thống giao thông hiện đại của TP.HCM đã trở thành hiện thực khi tuyến metro đầu tiên chính thức đi vào hoạt động.
Năm 2012, ông Cường trực tiếp tham gia lễ động thổ, khởi công tại ga Văn Thánh (phường 22, quận Bình Thạnh). Sau hơn 10 năm chờ đợi, cuối cùng ông cũng đã được bước lên chuyến tàu:
“Tôi và những người dân khu phố tôi ở rất háo hức chờ đợi. Hôm nay chúng tôi dậy từ 5 giờ sáng, đón xe taxi lên đây để có mặt ở đây giờ phút này, cùng với nhân dân thành phố, chào đón giờ phút lịch sử của TP.HCM. Từ tuyến metro số 1, sẽ chắp cánh cho những tuyến metro các cửa ngõ khác nữa, đưa TP.HCM lên một tầm cao mới, một khí thế mới trong lúc đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình”, ông Cường chia sẻ.
Đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, “cuộc hẹn” của ông Nguyễn Văn Dụ với tuyến metro số 1 qua nhiều năm cũng có đôi lần rơi vào cảm giác hụt hẫng. Ông là một trong những cán bộ của phường 22, quận Bình Thạnh thực hiện công tác vận động người dân giải phóng mặt bằng.
Ông Dụ bày tỏ: “Hôm nay, thay mặt cho người dân tới đây dự lễ, tôi hết sức phấn khởi và mong rằng tuyến metro hoạt động hiệu quả để mang lại sự thay đổi cho thành phố”.
Từ vùng quê Hà Tĩnh, khi biết tin, anh Tuấn Anh lặn lội vào Sài Gòn để được trực tiếp trải nghiệm. Mặc dù số lượng hành khách trong ngày đầu tiên khá đông, nhưng anh Tuấn Anh vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt mình.
Cũng giống như mọi người có mặt ở ga Bến Thành, anh tranh thủ quay phim, chụp hình các khoảnh khắc từ lúc vào cửa soát vé, qua giếng trời và quang cảnh thành phố nhìn từ các ga trên cao. Anh Tuấn
Anh chia sẻ, nhà ga hôm nay hoạt động gần như hết công suất, các nhân viên vận hành khá vất vả, nhất là gần trưa, số lượng người dân mỗi lúc một đông và phải xếp hàng dài: “Tôi đi xe đò 18 tiếng, hơn 4h sáng nay có mặt tại đây, ngủ tạm ở công viên để chờ đến giờ được lên tàu. Trong lòng lúc nào cũng nôn nao để hôm nay có mặt trên chuyến metro số 1. Tôi rất hãnh diện và cảm động”.
Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc - Thành viên Hội đồng Quản trị Tổng Công ty xây dựng số 1 - CTCP, Thành viên tổ tư vấn đề án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM là chuyên gia có nhiều kỷ niệm với tuyến metro số 1.
Ông cũng là một trong những người có nhiều đóng góp lớn cho dự án này. Lên chuyến tàu, ông thấy mình như được trở lại “chiến trường” xưa, nay đã trở nên khang trang, đẹp đẽ hơn: “Tôi rất xúc động cũng như biết bao người dân thành phố. Có rất nhiều điều có thể rút kinh nghiệm từ tuyến metro số 1, đặc biệt là sự phân quyền cho chính quyền đô thị cũng như việc phân quyền, giao trách nhiệm cho Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị.
Trong thời gian tới, TP.HCM có kế hoạch xây dựng các tuyến metro không sử dụng vốn ODA, huy động từ nhiều nguồn vốn khác trong nước, sẽ có sự thống nhất cao hơn, đặc biệt trong vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều này giúp huy động nguồn lực trong nước như nguồn lực từ nhân dân, nguồn lực từ đất đai và tránh việc mỗi một tuyến sẽ tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau”.
Ông Quốc chia sẻ, tuyến metro số 1 là viên gạch đầu tiên tạo ra diện mạo, một hệ thống giao thông hiện đại.
Ông kỳ vọng, sự vận hành của tuyến metro số 1 được trơn tru, an toàn và tạo ra những chuẩn mực mới cho giao thông công cộng đô thị, mở đầu cho một kỷ nguyên mới mà giao thông công cộng sẽ được phát triển nhiều hơn nữa, giúp giảm thiểu ô nhiễm, tiếng ồn và tắc nghẽn giao thông.
Đánh giá về mục tiêu đến năm 2035 TP.HCM sẽ làm 7 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 355km, ông tin tưởng rằng với những kế hoạch sắp tới cùng với cơ chế đặc thù, TP.HCM sẽ có thể tăng tốc trong việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
Sự quyết tâm này không chỉ giúp cải thiện giao thông mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố.