Mang hy vọng về quê

Những ngày này hình ảnh của hàng vạn lao động ở các khu công nghiệp phía nam bị cắt việc làm cuối năm không khỏi khiến người xem ái ngại, cảm thương. Nhưng, chuyện những lao động mất việc làm tại các khu công nghiệp và trở lại quê hương liệu có nhất thiết là một bi kịch hay không?

Nếu biết tổ chức sử dụng tốt, sự trở về của nguồn lao động trẻ sẽ đem lại sức sống mới cho những làng quê.

Tôi luôn nghĩ rằng các làng quê Việt Nam sẽ chỉ có hy vọng khi giữ được người trẻ ở nhà. Nhiều năm qua, họ đã luôn ra đi, dù với tư thế nào thì họ cũng luôn ra đi. Có người đi học để thành danh rồi ở lại thành phố, có người đi xuất khẩu lao động, đi làm ở công xưởng, có người ra phố làm thuê, làm mướn tự do…

Dẫu đi theo cách nào, với tư thế nào, thì họ cũng lựa chọn ra đi như thể đó là con đường duy nhất của cuộc đời.

Không thể phủ nhận lựa chọn ra đi của những người trẻ ở nông thôn, để những đồng tiền mặt gửi về nhà mang lại sự thay đổi không nhỏ cho làng quê của họ.

Như là những ngôi nhà đúc bê tông đã mọc lên ngày một nhiều hơn ở những triền dốc núi, như là nhiều vật dụng tiện nghi, thời thượng đã không còn xa lạ với cuộc sống ở làng.

Nhưng, nếu họ cứ ra đi như thế, và chỉ về nhà vào những dịp lễ tết, với những đồng tiền tiết kiệm được trong suốt một năm làm việc, và chỉ thực sự trở về sống ở làng khi mà đã hết khả năng bán sức lao động trong những công xưởng, thì làng quê của họ, dù đã có nhà xây, đã có những tiện nghi thời thượng, vẫn luôn thiếu đi cái sinh khí của một nơi để sống.

Hàng chục vạn thanh niên bị cắt việc làm ở các khu công nghiệp dịp này, có thể họ sẽ khó khăn khi đột ngột mất đi nguồn thu nhập.

Nhưng, tôi nghĩ, đó là một cơ hội mới của họ, một cơ hội để nhận ra và thoát ra khỏi cái bẫy thu nhập thấp ổn định để mà nghĩ đến một con đường mới, bền vững hơn ở chính quê hương mình.

Trước thời điểm Tết nguyên đán sắp tới, bị mất việc khiến nhiều công nhân lâm vào cảnh lao đao. Ảnh: Người lao động

Nhiều người vẫn nghĩ rằng dòng lao động di cư từ nông thôn ra thành phố phản ánh thực tế thiếu việc làm ở nông thôn. Tôi không nghĩ thế. Ở nông thôn những năm qua rất thiếu lao động.

Năm ngoái tôi xây một ngôi nhà trong trang trại ở một huyện ền núi. Nhà nhỏ thôi, nhưng hơn năm trời mới xong vì phải xếp hàng chờ thợ. Cả mấy xã mới có nổi một hiệp thợ xây, làm không hết việc. Thợ gì cũng thiếu, không riêng gì thợ xây. Ruộng, nương bỏ hoang rất nhiều không có người làm.

Tôi nghĩ, nếu thanh niên nông thôn học nghề, có một nghề nghiệp cụ thể trong tay để làm thợ, bất cứ thợ gì, cũng không thiếu việc làm để có tiền ngay ở quê nhà mình.

Những thanh niên mất việc hôm nay, nếu họ về quê với tâm thế mất việc, tôi nghĩ sẽ là điều đáng tiếc. Nhưng nếu họ trở về với tâm thế tìm kiếm một cơ hội mới ở quê nhà, mọi việc sẽ khác. Nếu họ trở về với tâm thế tìm kiếm một cơ hội, mang những kiến thức, kỹ năng học được, quan sát được trong những năm tháng ra thành phố trở về, họ có thể tổ chức lại sinh kế trên đồng đất của cha ông mình.

Có thể 10 người chỉ một người thành công khởi nghiệp, nhưng chỉ như thế, thì 9 người kia cũng có cơ hội việc làm ngay trên quê hương mình. Tất nhiên, sẽ rất khó khăn khi họ đơn độc tìm cơ hội mà không có những sự hỗ trợ từ chính quyền, đoàn thể ở địa phương.

Chính quyền, đoàn thể ở địa phương có thể làm gì? Họ có thể kêu gọi sự hỗ trợ của những doanh nghiệp, những cá nhân đồng hương cung cấp những khóa học để bổ sung kỹ năng cho thanh niên quê mình, những kỹ năng mà ở quê nhà còn đang thiếu.

Họ hỗ trợ thủ tục, cơ hội tiếp cận vốn, công nghệ để thanh niên quê nhà thành lập các hợp tác xã sản xuất trên chính quê hương.

Nếu chính quyền các địa phương cũng nhìn nhận cuộc khủng hoảng việc làm ở thành thị như một cơ hội của quê nhà, nhìn nhận sự trở về của những lao động trẻ là điều đáng để mừng vui, tôi tin đó sẽ là một cơ hội thực sự để mang lại sức sống cho những làng quê.