Ma trận tin giả ngày càng tinh vi, thêm nhiều người sập bẫy

Sau nhiều trường hợp tung tin giả đã bị xử lý, truy cứu trách nhiệm, người dân đã cảnh giác hơn với tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội. Nhưng thực tế hiện nay, tin giả vẫn phát tán tràn lan.

Tần suất, mức độ và nội dung của tin giả cũng ngày càng đa dạng và phức tạp, khiến nhiều người tiếp tục mắc “bẫy”, dù đã cảnh giác.  

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Ảnh nh họa

Từ khi dịch bệnh COVID- 19 bùng phát đến nay, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 18 phường Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, ông vừa lo hỗ trợ chính quyền triển khai công tác phòng chống dịch, vừa lo thông tin kịp thời tới bà con, trong đó ông mất rất nhiều thời gian để giải thích, đính chính những tin giả khiến người dân trong tổ dân phố hoang mang: "Khi mà có những tin không chính thống sẽ làm ảnh hưởng đến chính quyền, ngay công việc của mình cũng bị ảnh hưởng, nhiều khi thông tin không chuẩn, không chính xác mà họ chuyển đến rồi họ hỏi mình, mình lại mất thời gian giải thích".

Ông Hùng rất lo ngại trước việc tin giả được cư dân chia sẻ trong các group chung cư có vài trăm với vài nghìn thành viên nên lan truyền rất nhanh. 

Chị Trần Thu Thủy ở Mai Động, Hoàng Mai cho biết, chị khá cảnh giác với tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội, đặc biệt là những tin tức có dấu hiệu lừa đảo. Nhưng điều chị lo lắng là những thông tin giật gân, sai sự thật về dịch bệnh lại lan truyền khiến bố mẹ chị ở quê bị tác động:

"Có những lúc mình đang ngồi làm việc cũng nhận được tin của người thân ở quê gửi lên liên quan đến dịch bệnh. Câu đầu tiên luôn là cuộc họp khẩn chiều nay, lãnh đạo thông báo, rồi tin cực kỳ quan trọng, mở đầu bằng điều thuyết phục và bí mật. Khi mình check lại những thông tin đó thì nó không có nguồn chính thống và không chính xác".

Ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân Dân phân tích, có nhiều loại tin giả được tạo ra với lớp lang vô cùng chuyên nghiệp và thực hiện trong một thời gian dài, khiến nhiều người không thể bình tĩnh nhận định và phát hiện trước khi chia sẻ, từ đó vô tình góp phần lan truyền tin giả. Thế nhưng, có những thông tin rất vô lý nhưng nhiều người vẫn xuýt xoa, phẫn nộ, mừng vui thật dễ dàng rồi còn kêu gọi bạn bè cùng trao đổi.

Nhà báo Hoàng Tuấn, Trưởng phòng Báo Thanh Hóa điện tử cho rằng, qua theo dõi có 2 dạng phát tán tin giả chủ yếu: "Một số chuyên nghiệp đã được công an theo dõi và xử lý, còn một số do nhận thức với những thông tin chưa kiểm chứng nhưng họ cứ lấy tung lên mạng gây hoang mang cho nhân dân. Ở Thanh Hóa thì phần đông phát tán tin giả là do nhận thức, tuy nhiên người dân giờ lên mạng xã hội đã cảnh báo nhau cẩn thận phát tán tin giả là bị phạt".

Theo TS. Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, có thể phân chia tin giả thành hai mức độ: những thông tin không có thật, tin bịa đặt, vu khống và loại thứ hai là những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, tin không có cơ sở, được lan truyền trên mạng xã hội.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, theo TS. Trần Bá Dung cần cập nhật nhanh chóng và lan tỏa sâu rộng thông tin chính thống: "Tin giả ngày càng đi vào góc độ tinh vi hơn, gieo bán tin, bán nghi, cho một chút tin thật rồi lồng vào tin giả. Việc sản xuất tin giả tôi cho ngày càng dễ bởi sự hỗ trợ của công nghệ và thiết bị thông nh. Vì thế, phải thông qua báo chí truyền thông để tác động tới công chúng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất".

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu coi tin giả như một bệnh dịch, thì cũng cần thiết lập "vùng xanh" trên không gian mạng bằng tin tức chính thống của báo chí truyền thông, từ đó lan tỏa mạnh mẽ, pha loãng dần những thông tin thất thiệt, độc hại và tiến tới “xanh hóa” thông tin trên môi trường mạng./.