Lý do 'chính đáng'

Lệnh giãn cách xã hội khiến cho nhiều người thấy sinh hoạt bức bối, công việc khó khăn. Có những thứ ta cho là không trì hoãn được, nên vẫn phải tìm cách “chạy việc”.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Ảnh nh họa: Quách Đồng

Cấm ra đường khi không thiết yếu, có người ngụy tạo làm ra vẻ thiết yếu, cho khỏi bị phạt, dù thực chất chỉ đi đưa cái này, lấy cái kia.

Giãn cách giữa nhà với nhà, xóm với xóm, nhưng trong những khu đô thị hàng vạn dân, khi lực lượng chức năng chỉ có thể kiểm soát bên ngoài, thì bên trong, có lúc nhà này vẫn qua nhà kia, người này vẫn ới người nọ. 

Cái vòi nước hỏng vẫn phải gọi thợ đến thay. Cái tường lem nhem vẫn muốn sơn sửa cho tinh tươm sạch sẽ. Nấu ăn ba bữa, tủ lạnh có giới hạn, bạn vẫn muốn đi chợ hàng ngày cho bữa cơm được tươi ngon…

Mỗi người một nhu cầu, và cái nào cũng có vẻ rất ư chính đáng. Nếu đối chiếu với các nguyên nhân gây lây lan dịch bệnh như tụ tập đông người, tiếp xúc với người ho sốt..., bạn thấy chẳng có gì nghiêm trọng.

Nhưng một khi mầm bệnh đã ủ trong cộng đồng, thì chỉ một sự tiếp xúc thoảng qua, một giao dịch rất bình thường, mọi thứ đã có thể đã khác.

Và khi dịch bệnh bùng phát, mọi lý do cũng chỉ là lý do. Không một sự biện hộ nào đỡ được các thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, về kinh tế xã hội vô cùng nặng nề mà dịch bệnh gây ra. Sẽ day dứt thế nào, nếu xảy ra nông nỗi ấy, có phần nguyên nhân từ điều bạn từng cho là  “lý do chính đáng”.

Quy định dù chi tiết đến đâu, cũng không bao quát hết được mọi hoạt động của con người. Chỉ có bạn, với sự cân nhắc giữa nhu cầu cá nhân và cái được mất của cả cộng đồng, bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm, mới có thể quyết định sáng suốt, xem cái gì thực sự “chính đáng” để phải ra đường./.