Theo Sở GTVT Long An, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 137 bến phà nội tỉnh và 9 bến phà liên tỉnh. Thời gian này, lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm như điều khiển phương tiện không có bằng thuyền trưởng, máy trưởng, cùng trang thiết bị an toàn giao thông như: áo phao, dụng cụ cầm tay, dụng cụ cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy… Qua đó nhằm chấn chỉnh, nhắc nhở chủ các bến phà và người dân tuân thủ các quy định để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, tại các bến phà liên tỉnh, liên khu vực tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn trước tình hình mưa bão, giông lốc diễn biến phức tạp.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lê Thành Công - Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 7, Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An:
PV: Thưa ông, Long An là địa phương có nhiều bến phà, bến khách ngang sông, trong đó có những bến phà liên tỉnh hoạt động 24/24. Công tác đảm bảo an toàn cho người dân cũng như phương tiện được địa phương quan tâm như thế nào?
Ông Lê Thành Công: Trong 6 tháng đầu năm vừa qua, thanh tra Sở thường xuyên phối hợp với các đội địa bàn quản lý các bến thủy nội địa, các bến khách ngang sông. Ngoài ra, riêng Đội Thanh tra số 7 phối hợp với cảng vụ trực thuộc Sở, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 3 gồm có hai đại diện ở Long An là đại diện Long An và đại diện Mộc Hóa.
Bên cạnh đó, cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cụ thể là Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Kinh tế Hạ tầng của các huyện, thị xã, thành phố để phối hợp trong công tác kiểm tra thường xuyên, không phải chỉ vào mùa mưa bão. Việc này thường xuyên kiểm tra về điều kiện của phương tiện, điều kiện của thuyền trưởng, máy trưởng và các thiết bị đảm bảo an toàn giao thông cho người dân khi đi qua sông.
PV: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chúng ta có bao nhiêu bến phà nội tỉnh và bao nhiêu bến phà liên tỉnh, thưa ông?
Ông Lê Thành Công: Trên địa bàn Long An hiện nay có 137 bến khách ngang sông là bến nội địa liên huyện. Ngoài ra, còn có khoảng 9 bến liên tỉnh kết nối với tỉnh Tây Ninh, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Đồng Tháp và thành phố Hồ Chí Minh.
PV: Với đặc thù phức tạp của mạng lưới giao thông thủy, nhất là trong những mùa mưa bão bất thường như hiện nay, công tác tuyên truyền cũng như kiểm tra xử lý vi phạm được chính quyền chúng ta quan tâm triển khai như thế nào?
Ông Lê Thành Công: Thanh tra Sở là đơn vị trực thuộc Sở Giao thông, tham mưu cho Sở Giao thông để giúp UBND tỉnh đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, ngoài kế hoạch phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương, chúng tôi còn kết hợp tuyên truyền, làm các tờ rơi. Ví dụ như khi đi qua sông thì phải mặc áo phao và mang dụng cụ nổi cầm tay. Nói chung, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua sông, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho bà con và chủ các bến.
Ngoài công tác kiểm tra, chúng tôi cũng kết hợp tuyên truyền hướng dẫn cho các chủ bến để họ hướng dẫn người dân an toàn khi đi qua sông. Ngoài kế hoạch phối hợp với cảng vụ của Sở và Cảng vụ của khu vực 3 cùng với chính quyền địa phương, vừa qua chúng tôi đã kiểm tra các bến nóng, những bến có nguy cơ tai nạn cao, và đã kiểm tra 68 bến, lập biên bản làm việc 68 bến. Tuy nhiên, trong đó có 2 bến vi phạm và chúng tôi đã xử lý vi phạm hành chính đối với 2 bến này.
PV: Công tác tập huấn cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Thành Công: Về công tác cứu hộ, hàng năm Cục Đường thủy Nội địa có tổ chức tập huấn. Tuy nhiên, chúng tôi không có kinh phí để tổ chức như ở Cục, mà chỉ tổ chức tuyên truyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các thanh tra viên, ngoài công tác kiểm tra, còn hướng dẫn tuyên truyền cho các chủ bến và người dân để đảm bảo an toàn giao thông khi đi qua sông.
PV: Hiện nay, trên địa bàn chúng ta có 9 bến phà liên tỉnh. Vậy để đảm bảo an toàn, chúng ta đã có những phối hợp như thế nào với các địa phương khác trong quá trình cấp phép cũng như hoạt động?
Ông Lê Thành Công: Công tác phối hợp là rất chặt chẽ. Trước đây, trước khi có Nghị định 06 và Nghị định 08, Sở Giao thông cấp phép cho các bến liên tỉnh. Khi cấp phép, hai tỉnh phải thống nhất với nhau. Khi gia hạn hoặc cấp phép, phải có sự đồng thuận của cả hai bên, đặc biệt là với thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Tây Ninh và Tiền Giang.
PV: Các phương tiện hoạt động trên các tuyến đường thủy cũng cần phải có chứng nhận đăng kiểm. Vậy vấn đề này đã được chúng ta kiểm soát như thế nào?
Ông Lê Thành Công: Về công tác đăng kiểm, trước đây, đơn vị đăng kiểm thủy trực thuộc Sở Giao thông Long An quản lý. Tuy nhiên, sau này, việc quản lý đã được giao cho Cục Đăng kiểm.
Trong công tác kiểm định, các phương tiện phải đảm bảo đủ điều kiện và chứng nhận kiểm định còn thời hạn mới được phép hoạt động. Nếu hết thời hạn, chúng tôi sẽ lập biên bản đình chỉ hoạt động ngay lập tức
PV: Vâng, xin cảm ơn ông.