Lời - lãi khi đầu tư đường sắt cao tốc từ góc nhìn Trung Quốc

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao 350 km/h trên trục Bắc – Nam với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 67 tỷ USD.

Trong khi các phương án về công nghệ và mô hình quản lý vẫn đang được tính toán, chúng ta có thời gian nhìn sang các quốc gia khác và học hỏi kinh nghiệm trong việc xây dựng đường sắt cao tốc, cả về lợi ích và những khó khăn gặp phải. Trong số các quốc gia đó phải kể đến Trung Quốc với tốc độ phát triển đường sắt cao tốc thần tốc trong thập kỷ vừa qua.

Vào năm 2007, Trung Quốc mới chỉ có duy nhất 1 tuyến đường sắt cao tốc với vận tốc khoảng 250 km/h. Nhưng 16 năm sau, tính đến cuối tháng 11/2023, tổng quãng đường hoạt động của đường sắt Trung Quốc đã vượt qua con số 155 nghìn km, trong đó có gần 44 nghìn km là đường sắt cao tốc với nhiều tuyến đạt mốc vận tốc 350 km/h.

Điều đáng ngạc nhiên là Trung Quốc chỉ mới bắt đầu phát triển đường sắt tốc độ cao từ đầu thế kỷ 21 nhưng đã nhanh chóng bứt phá so với các nền kinh tế phát triển khác.

Một khu vực bảo trì tàu cao tốc tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: European Pressphoto Agency

Đầu tư vào ngành đường sắt của Trung Quốc cũng nằm ở mức “khủng” với số tiền đầu tư hàng năm vào đường sắt cao tốc luôn đều đặn vào khoảng hơn 600 - 700 tỷ nhân dân tệ (tương đương 85 – 100 tỷ USD) tính từ năm 2014 cho tới nay, theo trang Statista.

Cùng với chi phí nhân công và nguyên vật liệu rẻ, ngành đường sắt còn nhận được hậu thuẫn tài chính khổng lồ từ chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước, giúp Trung Quốc triển khai các dự án nhanh chóng với chi phí thấp hơn, chỉ từ 17 đến 21 triệu USD/km.

Tuy nhiên, câu hỏi đang được đặt ra hiện nay, đó là liệu Trung Quốc có đang quá vội vã? Theo hãng tin CNA, đại dịch COVID-19, cùng các quy định vay mới nhằm ngăn chặn vỡ bong bóng thị trường nhà ở đã dẫn tới sự suy giảm của thị trường bất động sản của quốc gia tỷ dân. Từ đó, nhiều dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có đường sắt cao tốc cũng bị ảnh hưởng, khiến một số dự án bị chậm trễ hoặc tạm ngưng. Ví dụ có thể kể đến lệnh dừng hai dự án đường sắt cao tốc với tổng vốn đầu tư 20 tỉ USD nối hai tỉnh Sơn Đông và Thiểm Tây hồi năm 2021 do nợ của địa phương quá lớn.

Chưa kể, không phải dự án đường sắt cao tốc nào cũng đem lại hiệu quả. Ghi nhận tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, có ít nhất 2 dự án đường cao tốc đã bị đóng cửa hoặc chưa hoàn thiện. Một dự án trong đó đã bị đóng cửa từ năm 2017, chỉ 2 năm sau khi khánh thành. Dù vậy, ngay gần đó là một dự án metro khác nhưng lại rất đông khách.

Lý giải cho trường hợp này, bà Dan Wang, chuyên gia kinh tế, ngân hàng Hằng Sinh, Trung Quốc chia sẻ: “Đường sắt cao tốc được xem là biểu tượng của sự phát triển thần tốc trong hạ tầng cơ sở Trung Quốc, hay còn được gọi là “phép màu Trung Quốc”.

Dù vậy, một mặt đường sắt cao tốc giúp phát triển kinh tế địa phương, nhưng đã có giai đoạn mà mọi huyện tỉnh đều muốn trở thành một phần của mạng lưới đường sắt cao tốc đó và đã có thể nói là chi tiêu quá tay, vượt quá khả năng chi trả, dẫn tới kết quả như ta đã thấy, đó là sự lãng phí trong đầu tư”.

Một ga tàu điện tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô

Được biết, tính đến hết năm 2023, chỉ riêng nợ của Tập đoàn đường sắt Nhà nước Trung Quốc đã hơn 850 tỷ USD. Vào tháng 6 vừa qua, nhiều nhà khai thác đường sắt buộc phải tăng giá vé khoảng 20% đối với một số tuyến như Vũ Hán - Quảng Châu, Thượng Hải - Hàng Châu, và Thượng Hải - Côn Minh. Lần tăng giá gần nhất của đường sắt Trung Quốc là vào hồi năm 2021 khi giá vé tăng khoảng 11%. Đây là một trong những nỗ lực của Trung Quốc để giảm bớt gánh nặng nợ công. Theo tờ NewYork Times, việc tăng giá vé tàu có thể ảnh hưởng tới hình ảnh biểu tượng “phép màu Trung Quốc”. Bà Dan Wang cho biết thêm:

“Hầu hết các tuyến đường sắt cao tốc của Trung Quốc không đem lại lợi nhuận. Chúng bị phụ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước. Theo tôi, đã đến lúc chính quyền cần tính toán lại các lợi ích xã hội, tỷ số lợi nhuận trên tài sản để tính toán cho các bước đi tiếp theo”.

Các chuyên gia cho rằng, điều Trung Quốc cần làm hiện nay là cho đóng cửa các tuyến, trạm tàu thiếu hiệu quả để tập trung cho các tuyến còn lại, bởi đường sắt cao tốc vẫn có vai trò quan trọng với nền kinh tế Trung Quốc.

Về vấn đề này, liên quan tới vốn đầu tư, an toàn nợ cho Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, đây là thời điểm thích hợp để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao khi GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 4.282 USD và ước đạt khoảng 7.500 USD vào năm 2030. Quy mô nền kinh tế năm 2023 khoảng 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công xuống ở mức thấp, chỉ khoảng 37% GDP.

Tại buổi thông tin về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam do Bộ GTVT tổ chức vào chiều 1/10, Ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khoá XIV, thành viên Tổ chuyên gia của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao lý giải, việc phát triển đường sắt cao tốc nói riêng và hạ tầng GTVT nói chung, trách nhiệm đầu tư là của Nhà nước.

Do đó, đầu tư công sẽ là chủ đạo trong đầu tư phát triển đường sắt cao tốc: “Theo tính toán của các tổ chức quốc tế và kinh nghiệm của các nước, hiệu quả về mặt tài chính thời gian đầu sẽ khó có thể bù đắp số vốn bỏ ra, nhưng điều quan trọng ở đây là tác động lan toả của dự án đối với sự phát triển KT-XH nói chung, tác động không chỉ với 20 tỉnh thành phố có đường sắt cao tốc chạy qua mà còn cả các địa phương khác.”

Tính đến hết năm 2023, chỉ riêng nợ của Tập đoàn đường sắt Nhà nước Trung Quốc đã hơn 850 tỷ USD.

Quay trở lại với Trung Quốc, hiện dù nợ công lớn, nhưng không có nghĩa là quốc gia này ngưng đầu tư vào đường sắt cao tốc. Như tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, nhà ga Bạch Vân hiện đóng vai trò quan trọng với cả thành phố, đồng thời là công trình giao thông then chốt cho tuyến Quảng Châu – Hong Kong.

Nhà ga có độ tuổi hơn 1 thế kỷ này mới được trùng tu và hoạt động vào cuối năm ngoái, nay thành một siêu nhà ga rộng hơn 450 nghìn m2 với 21 đường ray, lớn gấp 3 lần nhà ga khác trong cùng thành phố. Nhiều người cho rằng, nhà ga Bạch Vân chính là biểu tượng của sự quyết tâm theo đuổi phát triển đường sắt của quốc gia tỷ dân.

Hiện quốc gia này vẫn đặt mục tiêu tới năm 2035 có 200 nghìn km đường sắt, trong đó 70 nghìn km là đường sắt cao tốc, trong khi tốc độ tối đa của các chuyến tàu tăng từ 350 lên 400 km/h.

Vậy tại sao Trung Quốc lại quyết tâm theo đuổi đường sắt đến như vậy? Sự thành bại của đường sắt cao tốc có phải chỉ quyết định ở lời lãi tiền vé? Mời các bạn theo dõi bài tiếp theo để tìm hiểu