Lo ngại làn sóng chuyển nhà “chạy lụt”, dẫn đến mất cân đối dân cư đô thị

Chỉ trong nửa tháng, Hà Nội 2 lần bị úng ngập nghiêm trọng do mưa lớn, và là lần ngập lụt nghiêm trọng thứ ba, chỉ từ đầu mùa mưa tới nay.

Nhiều người lo ngại, nếu cứ tiếp diễn đà này, có thể vượt quá ngưỡng chịu đựng của người dân, dẫn đến xu hướng dịch chuyển chỗ ở ồ ạt để “chạy lụt”, và từ đó gây mất cân đối trong phân bổ dân cư, ảnh hưởng tiêu cực đến các quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị.

Phóng viên VOVGT trao đổi với Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải, chuyên gia Dự án Thành phố Sống Tốt, Tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam về nội dung này:

PV: Với tình trạng ngập úng diễn ra ngày càng nghiêm trọng, theo ông điều gì sẽ xảy ra tiếp theo khi mà mức độ quá ngưỡng chịu đựng của người dân?

Ông Đinh Đăng Hải: Về mặt quy hoạch đô thị, phát triển các đô thị, mở rộng đô thị hoặc đô thị hóa các khu vực thì những hạng mục đầu tiên chúng ta phải nghiên cứu, tức là hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thoát nước.

Nếu một thành phố được thiết kế mà không đáp ứng được việc thoát nước sẽ có thể gây nên nhiều vấn đề mà ta không thể lường trước được.

Với điều kiện về biến đổi khí hậu hiện tại thì những tính toán về thoát nước có thể phải được nhìn xa hơn nữa.

Bởi vì những cơn mưa hằng năm có thể thay đổi, biến đổi rất nhiều, lượng nước mưa phát triển rất khó lường thì các tính toán hệ thống thoát nước phải tính đến yếu tố về biến đổi khí hậu.

Khi chúng ta phát triển đô thị, mong muốn có nhiều dân cư đến ở, nếu điều kiện hạ tầng kém, không đáp ứng được thì người ta sẽ không lựa chọn và khu vực đấy sẽ không phát triển được.

Mưa như trút nhiều giờ khiến các tuyến phố ở Nam Từ Liêm, Hà Nội ngập nặng. Nhiều gia đình khốn khổ "đắp đập", ngăn nước tràn vào nhà, đồng thời ệt mài tát nước. Ảnh: Dân trí

PV: Ông có lo ngại về sự dịch chuyển cư dân tại những vùng thường xuyên bị ngập lụt và gây mất cân đối về cư dân, cũng như ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị của thành phố?

Ông Đinh Đăng Hải: Rõ ràng điều đấy không phải là một lo ngại, mà đó là một thực tế chắc chắn sẽ xảy ra.

Khi  ở vào những vùng thường xuyên bị ngập úng, chắc chắn người ta sẽ không thể chấp nhận đấy là một đô thị sống tốt. Những tính toán về mặt quy hoạch cũng có thể bị sai đi khi mà chúng ta không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Cụ thể ở đây khi chúng ta muốn phát triển đô thị mang tính chất bền vững, với mật độ dân số đạt đến mức nào đó để tạo ra một đô thị nén thì cũng có thể sẽ không được đáp ứng khi mà mọi người dân không còn quan tâm nhiều nữa, hoặc không coi đó là một môi trường sống tốt.

Rõ ràng với một đô thị không được thiết kế hệ thống thoát nước tốt và ứng phó với các điều kiện thiên nhiên, về biến đổi khí hậu như vậy; thì sẽ không đạt đến một mục tiêu là xây dựng các đô thị bền vững và như vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu chúng ta đặt ra từ ban đầu.         

PV: Xin cảm ơn ông!