Liên tiếp xuất hiện các chùm ca bệnh mới: Sự bàng quan của các địa phương mới đáng lo ngại

Đã xuất hiện các chùm ca bệnh COVID-19 mới tại nhiều địa phương kể từ khi nới lỏng kiểm soát việc đi lại, trong đó có những ca cộng đồng không rõ nguồn lây.

Điều này có đáng lo ngại hay không? Địa phương cần chủ động thế nào? Phóng viên VOVGT có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương về nội dung này:

 
Các f1 liên quan đến ca f0 tại số 8 phố Đình Ngang, phường Cửa Nam, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được đưa đi cách ly tối 16/10

PV: Thưa ông, hiện nay đã xuất hiện một số chùm ca mới và một số địa phương cũng tăng thêm số ca mắc kể từ khi chúng ta nới lỏng điều kiện đi lại. Theo ông điều này có đáng lo ngại?

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung: Lo ngại nhất là các địa phương không chuẩn bị thật chu đáo để ứng phó COVID-19 trong tình hình mới, đấy là lo ngại chứ không lo ngại xuất hiện những chùm mới.

Những chùm mới là chuyện đương nhiên có thể xảy ra, nhưng các địa phương không chuẩn bị, bàng quan, vẫn coi đó là việc của người khác hoặc là bế quan tỏa cảng, làm trái Nghị quyết 128, thì đấy là đáng lo ngại.

PV: Theo ông, các địa phương cần làm gì để hạn chế tối thiểu các trường hợp xuất hiện những ca mới hoặc chùm ca mới?

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung: Các địa phương phải rà soát lại và củng cố hệ thống giám sát dịch, bao gồm cả năng lực về phát hiện, về xét nghiệm, về truy vết và chuẩn bị hệ thống y tế, đặc biệt hệ thống y tế cơ sở, để dập tắt ổ dịch trong thời gian sớm nhất.

Có một ca chỉ điểm thì xét nghiệm chặn đầu ổ dịch. Nếu cách ly phải cách ly thân thiện và an toàn; điều trị tiếp cận; phải phân tích những ca nào có tiêm vaccine, lứa tuổi thế nào, bệnh nền ra sao…

Đặc biệt là phải củng cố hệ thống y tế cơ sở đủ năng lực, trong đấy 4 cấu phần điều trị cần thiết, đó là phải tư vấn tâm lý để người dân nếu có bị mắc cũng yên tâm.

Thứ hai là vấn đề dinh dưỡng. Thứ ba là phải tập luyện, tăng cường sức khỏe, phục hồi chức năng hô hấp; bốn mới là dùng thuốc. Bốn cái đó là phải giáo dục cho y tế cơ sở thực hành cho chuẩn.

Tóm lại là tất cả các địa phương rà soát hai năng lực, thứ nhất là giám sát dịch, thứ hai là chuẩn bị hệ thống điều trị, ứng phó chuẩn nhất để giảm tỷ lệ thấp nhất chuyển nặng cũng như tử vong. Chỗ nào còn để cho tử vong thì đấy là một sai lầm lớn.

PV: Xin cảm ơn ông.