Lên đời cho hàng thủ công mỹ nghệ

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của bà con miền Tây ngày càng đổi mới về mẫu mã, kiểu dáng và chất liệu, từng bước chinh phục những thị trường khó tính. Không chỉ giúp giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi nông thôn sau vụ mùa mà còn khai thác tốt nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Vượt qua 177 dự án trên cả nước, dự án “Kết nối con người với thiên nhiên” của doanh nghiệp tư nhân Thảo Minh ở tỉnh Đồng Tháp, thương hiệu Mr. Mướp đã giành giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp Xanh 2023 do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức. Anh Đỗ Đăng Khoa, Giám đốc Thảo Minh cho biết, trung bình mỗi ha đất trồng, đơn vị sản xuất được 80.000 sản phẩm. Mướp khô sau khi thu mua được công nhân vệ sinh sạch, tách vỏ, phơi khô, đưa vào máy cán để định hình trước khi đưa vào dập khuôn mẫu theo từng mẫu sản phẩm khác nhau.

Từ xơ mướp, khô cứng nhiều dòng sản phẩm dành cho thú cưng, sản phẩm chùi rửa nhà bếp, bộ sản phẩm bông tắm ra đời và được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, đơn vị còn kết hợp với nhiều loại vật liệu là phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm trang trí đẹp mắt như hoa, quả khô.

Anh Đỗ Đăng Khoa, cho biết: Doanh nghiệp mình từ năm 2005, chuyên về các sản phẩm thân thiện môi trường mà hàng thủ công mỹ nghệ. Tập trung làm ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, ứng dụng vào đời sống, được làm từ những nguyên liệu là xơ mướp, một loại nông sản rất gần gũi với bà con, người Việt Nam mình. Trái mướp mình để già để xơ, sau đó, mình xử lý qua các công đoạn, quy trình để mình tạo ra các bộ sản phẩm: bông tắm xơ mướp, ếng rửa chén và đồ chơi cho thú cưng để xuất khẩu đi thị trường Nhật và Hàn Quốc.

Ngoài ra, anh Khoa cho biết thêm đang triển khai thị trường trong nước và xuất khẩu, sắp tới, sẽ mở rộng thêm thị trường bán lẻ. Kế hoạch tiếp theo là mở rộng thêm thị trường, phát triển những thị trường hiện có, mở rộng thêm những thị trường tiềm năng.

Còn tại Hậu Giang, nghề thủ công mỹ nghệ cũng đã và đang được phát triển mạnh. Với nghề đan đát lục bình đã từ lâu cho ra đời nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường như: các loại thảm, đồ lót đĩa, lót ly, sọt, rổ gia dụng, túi xách, nón thời trang, nhà cho thú cưng…

Đi dọc những con đường ấp 8, ấp 9 và ấp 10, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, không khó để bắt gặp cảnh nhà nhà phơi lục bình. Theo bà con, để có được những cọng lục bình khô đan đát, lục bình phải được phơi khô, xếp thành lọn nhỏ rồi buộc lại thành bó lớn giao cho công ty. Thông thường nếu lục bình đẹp thì cứ 12kg tươi sẽ được 1kg khô thành phẩm. Còn lục bình non, xấu thì khoảng 13-14kg tươi được 1kg khô. Từ những cọng lục bình xanh, xốp, sau khi phơi đủ nắng và qua khâu xử lý sẽ cho ra những sợi mềm mại, dai và bền, dễ dàng đan đát, được người tiêu dùng ưa chuộng đa dạng mẫu mã và thân thiện với môi trường.

Chị Dương Thúy Hằng ở huyện Long Mỹ chia sẻ: Bãi mình phải mướn rồi mướn nhân công chặt. Hồi đó, chỉ muốn phá bỏ, không muốn  trồng, nuôi luôn đó bây giờ phải dưỡng. Thu nhập bình quân chặt một người tháng khoảng 4-5 triệu đồng.

Hậu Giang có một số tuyến sông chính như sông Cái Lớn, sông Nước Đục, sông Nước Trong đi qua địa bàn huyện Long Mỹ, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh.... Đây là những tuyến sông có lượng lục bình sinh sống khá nhiều, từ đó tạo nguồn nguyên liệu dây sợi từ cọng lục bình khá dồi dào để phục vụ công việc đan đát và cho ra đời nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện môi trường.

Anh Trần Quang Thoại, Giám đốc Hợp tác xã đan đát lục bình Quang Thoại, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cho biết: Ở đây anh chỉ chuyên về lục bình thôi, sản phẩm mình đi trong nước và đi Trung Quốc từ năm 2022. Mỗi tháng từ 2.000-10.000 sản phẩm tùy theo lớn nhỏ. HTX mình có 8 thành viên, còn công nhân khoảng 400 người, tại vì địa phương mình chủ lục gần như là cây lục bình, tại vì có sông Cái Lớn, tận dụng diện tích mặt sông mình trồng rồi mình làm.

Có thể thấy, từ tư duy mới cùng với sự nhạy bén nắm bắt nhu cầu của thị trường của những người trẻ đã giúp những sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở ĐBSCL có sức sống mới, mang bản sắc riêng đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ thiên nhiên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng (Ảnh nh họa: Người đưa tin)

Vệc khoác áo mới cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã nâng tầm giá trị, giúp các sản phẩm vươn tầm ra các thị trường khó tính. Tại Hậu Giang, Công ty Cổ phần Ecoka, hiện có hơn 300 mã sản phẩm làm từ nguyên, vật liệu thân thiện môi trường, liên kết với hơn 10 làng nghề, HTX trên cả nước. Sản phẩm của công ty được xuất sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, Canada.

Để hiểu thêm về câu chuyện đưa hàng thủ công mỹ nghệ xuất ngoại, PV có cuộc phỏng vấn ông Hà Anh Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Ecoka ở tỉnh Hậu Giang:

PV: Hiện tại, việc phát triển các sản phẩm đan đát từ lục bình của công ty tại Hậu Giang như thế nào?

Ông Hà Anh Trường: Sản phẩm của chúng tôi rất đa dạng, với gần 300 sản phẩm, từ trang trí nhà cửa, trang trí nhà bếp, trang trí nhà, thời trang, túi lục bình. 

Chúng tôi liên kết với các HTX và hộ dân trên địa bàn bao tiêu sản phẩm, hoặc sản xuất tại công ty, mình phối hợp nhiều hình thức khác nhau. Hiện tại trên cả nước thì mình liên kết 12 HTX. Hậu Giang thì 8.

PV: Hiện tại, sản phẩm của công ty xuất đến những đâu và triển vọng các sản phẩm này như thế nào, thưa ông?

Ông Hà Anh Trường: Mỹ, Canada, Pháp. 3 thị trường đó. Có nhiều khách hàng sẽ đặt mình gia công theo mẫu của họ và có khách hàng đặt làm mẫu riêng của họ rồi họ đăng ký độc quyền luôn, tùy vào khách hàng thôi. Bây giờ nếu sản phẩm phân hủy sinh học, rồi nó thân thiện môi trường thì họ ưu tiên, họ sử dụng.

Ví dụ họ ra cả dự luật về cấm các sản phẩm về đồ nhựa không tái chế chẳng hạn thì những sản phẩm thân thiện môi trường, phân hủy sinh học thì họ ưu tiên sử dụng và nó cũng là xu hướng của thị trường thế giới thời gian tới.

PV: Việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã tác động như thế nào đến thu nhập của bà con nông thông, thưa ông?

Ông Hà Anh Trường: Tận dụng lao động nông nhàn, có ngày làm lúa có ngày không thì mình tận dụng thời gian rãnh rỗi đó, nông nhàn của bà con để làm. Cũng có bộ phận họ làm nghề thường xuyên thì thu nhập họ cao lắm. Cao so với mặt bằng ở đó thôi nha chứ không phải cao so với trên cả nước, họ thu nhập từ 4 đến 6 triệu. 

PV: Cảm ơn ông với những chia sẻ vừa rồi.