Lập trạm y tế trên cao tốc: Sẽ khả thi nếu linh hoạt cách làm

Bộ GTVT vừa bày tỏ đồng thuận trước đề xuất của cử tri TP.HCM về việc đặt thêm trạm y tế trên các tuyến cao tốc để kịp thời cấp cứu TNGT và cho biết việc này thuộc thẩm quyền Bộ Y tế.

Vậy, đặt trạm y tế trên cao tốc có khả thi không, khi mà trên quốc lộ, việc này cũng không dễ dàng?Phóng viên VOVGT đối thoại với ông Nguyễn Ngọc Tường – Nguyên Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM xung quanh nội dung này.

PV: Về ý kiến bố trí thêm trạm y tế trên các tuyến cao tốc để hỗ trợ nhanh cho các nạn nhân khi xảy ra tai nạn, ông đánh giá như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Tường: Tôi thống nhất cao với ý kiến này. Trước đây, tôi cũng đã đề xuất và TP.HCM cũng đã bố trí được các điểm sơ cấp cứu trên các tuyến quốc lộ để xử lý nhanh các trường hợp tai nạn giao thông.

Còn trên các tuyến cao tốc đúng ra có những vụ tai nạn khẩn cấp hơn nên chúng ta cần có sơ cấp cứu ban đầu vì đây là thời điểm vàng để cứu người bị tai nạn giao thông.

PV: Ông nhận định ra sao về tầm quan trọng của các trạm y tế trên đường bộ?

Ông Nguyễn Ngọc Tường: Trước đây ở TP.HCM có 2 trạm sơ cấp cứu trên tuyến quốc lộ tại quận 12 và quận Bình Tân, nhìn chung các điểm này đã làm rất tốt nhiệm vụ cấp cứu nhanh các trường hợp tai nạn giao thông.

Sau này dọc các tuyến quốc lộ xuất hiện nhiều trạm y tế, bệnh viện…đã đáp ứng đủ yêu cầu để xử lý nhanh.

Riêng các tuyến cao tốc thì vẫn chưa có vấn đề này, tôi nghĩ cần khẩn trương nghiên cứu, bố trí, sắp xếp địa điểm phù hợp để tổ chức sơ cấp cứu kịp thời cho người dân.

ảnh nh họa

PV: Với các tuyến đường tạm gọi là dễ bố trí như các tuyến quốc lộ trục dọc trục ngang mà việc bố trí các trạm y tế, sơ cấp cứu còn chậm thì liệu đưa các trạm này lên cao tốc có khả thi?

Ông Nguyễn Ngọc Tường: Tuy là khó nhưng chúng ta cũng cần tính toán để tìm các điểm dừng, hoặc là điểm chốt phù hợp để bố trí sao cho phù hợp nhất.

Trong đó cần quan tâm đến nhân sự cho các trạm này, đặc biệt là bác sĩ, y tà và quan trọng nhất là cần có xe cấp cứu chuyên dụng thường xuyên trực để xử lý nhanh các vụ tai nạn này.

Ngành y tế cần vào cuộc để nghiên cứu. Không nhất thiết phải bố trí trạm cấp cứu cố định nhưng tùy theo tuyến đường, khu vực mà bố trí sao cho phù hợp nhất, để đảm bảo mục đích làm sao cấp cứu nhanh nhất, khẩn trương nhất để đảm bảo tính mạng cho người dân.

PV: Vì sao không tập trung nhiều hơn nữa nguồn lực, vật lực cho công tác phòng chống tai nạn giao thông hay vì lo giải quyết hậu quả tai nạn?

Đã có tham gia giao thông thì phải có tai nạn, còn để hạn chế tai nạn giao thông thì đã có nhiều giải pháp. Khi sự cố xảy ra, tại nhiều nước trên thế giới cũng có những vụ tai nạn thảm khốc do đó không thể chỉ nói áp dụng các biện pháp phòng chống mà không thể xảy ra tai nạn.

Chắc chắn điều này là không có.

PV: Cảm ơn ông!