Làm thế nào để hỗ trợ người lao động tự do?

Năm 2018, cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động, làm 8.229 người bị nạn, trong đó khu vực người làm việc không theo hợp đồng lao động, số vụ tai nạn tăng 18,6%.

Ảnh nh họa

Mới đây, ngày 19/4, trong lúc lắp điều hoà cho nhà dân ở phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội, một thợ lắp điều hoà đã rơi từ tầng 4 xuống đất và tử vong sau đó. Trước đó, một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra ngày 2-4 tại một công trường đang thi công trên địa bàn xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, làm 1 người chết và 7 người bị thương.

Theo số liệu được công bố tại cuộc họp báo "Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019" do Ban chỉ đạo Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động trung ương tổ chức tháng 4 vừa qua, có đến 417 người thiệt mạng vì những tai nạn tương tự trong năm 2018, và đều là những lao động tự do. Con số này tăng 57,6% so với năm 2017. 

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do tổ chức lao động và điều kiện lao động không đảm bảo. Người lao động chưa có kỹ năng, kiến thức đầy đủ trong việc đánh giá, nhận diện các nguy cơ rủi ro, dẫn đến nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động.

Vì vậy, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, trước hết, mỗi người lao động cần chủ động nhập cuộc trong phòng ngừa tai nạn lao động:  Chúng tôi muốn rằng, mỗi một người tùy theo công việc, dù việc đơn giản hay việc phức tạp thì trước khi vào làm việc đều phải nhận thức được các mối nguy hiểm. Rủi ro thì rất đa dạng, nhưng mỗi người lao động hãy tự liên hệ vị trí làm việc của mình, dành thời gian ban đầu quan sát trước khi bắt tay vào làm việc để có thể phát hiện các nguy cơ. Có nguy cơ chúng ta tự xử lý được, có nguy cơ chúng ta báo cho người có trách nhiệm xử lý. Qua đó, tránh được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Đặc thù của công việc lao động tự do là thu nhập bấp bênh, thiếu tính ổn định và không bền vững. Một trong những giải pháp hỗ trợ cho người lao động tự do nếu xảy ra rủi ro là tham gia bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa được nhiều người quan tâm vì nhiều lý do khác nhau.

Chị Nguyễn Thị Hải ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng: Người ta cũng bảo mình có thể đóng theo mấy mức và tùy theo mình lựa chọn. Nhưng tôi cũng thấy băn khoăn, nhiều khi thấy họ không nhiệt tình tư vấn nên mình cũng có cảm giác không tin tưởng. 

Trước thực tế số vụ tai nạn lao động tại khu vực làm việc không theo hợp đồng lao động tăng gần 20% so với năm 2017, ông Hà Tất Thắng cho rằng, người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới. Trong đó, Cục An toàn lao động đang đề xuất xây dựng Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, để hỗ trợ thiết thực nhất với người dân:  Chúng tôi cũng đang xây dựng để trình Chính phủ một Nghị định về “Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện” để hỗ trợ người lao động tự do tham gia. Tham gia đóng quỹ này thì họ sẽ được hỗ trợ từ phòng ngừa đến khi chẳng may xảy ra tai nạn lao động thì họ được hỗ trợ về chính sách. Việc này chúng tôi dự kiến năm 2020 sẽ trình Chính phủ quyết định. Nhà nước cũng đang cố gắng cao nhất để hỗ trợ cho khu vực này, để không phân biệt người lao động ở khu vực nào, ễn là người lao động thì cần được bảo vệ trong điều kiện làm việc an toàn nhất.