Làm sao đầu tư trạm dừng nghỉ đồng bộ với đầu tư phát triển cao tốc?

Hiện nay, nước ta đã đưa vào khai thác gần 1.200km đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, có tới hơn 1/3 trong số này chưa có trạm dừng nghỉ, trạm xăng hay điểm dừng xe kỹ thuật để lái xe nghỉ ngơi, tiếp nhiên liệu và kiểm tra xe, gây khó khăn và lo ngại cho người gia giao thông.

Theo kế hoạch, đến năm 2030 Việt Nam sẽ đầu tư, đưa vào vận hành 5.000km cao tốc. Việc quy hoạch cho đến triển khai đầu tư xây dựng cao tốc cần tính toán và thực hiện đồng bộ với trạm dừng nghỉ ra sao để không xảy ra những bất cập này?

Diễn đàn 91 với chủ đề: "Làm sao đầu tư trạm dừng nghỉ đồng bộ với đầu tư phát triển cao tốc?”, phát sóng trực tiếp lúc 16h - 17h (15/10/2022) trên tần số FM91 của Kênh VOV Giao thông Hà Nội và TP. HCM, nghe online trên trang điện tử: vovgiaothong.vn.

Với sự tham gia của các khách mời: ông Vũ Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) và ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam.

Bất an khi nhiều cao tốc không có trạm dừng nghỉ

Với nhiều lái xe dường như không còn lạ lẫm với sự bất tiện khi lưu thông trên các tuyến cao tốc như: Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận hay Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào sử dụng đã nhiều năm nhưng chưa có trạm dừng nghỉ. Một số lái xe đường dài chia sẻ:

"Tôi hay đi cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ rất bất cập, anh em đi đường dài mỏi mệt đôi khi phải dừng để nghỉ ngơi, nhưng dừng trên cao tốc lại phạm luật, chạy cố thì mệt mỏi và nguy hiểm".

"Những cao tốc không có trạm dừng nghỉ, khi xe có sự cố hay mình muốn nghỉ ngơi mà không có thì rất khó khăn. Khi có trạm dừng nghỉ trên cao tốc thì mọi cái suôn sẻ hơn, khi xe hết nhiên liệu hoặc xe có sự cố vào để xử lý".

Mới đây cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã chính thức thông xe, theo lái xe Khuất Văn Chiều, Công ty Du lịch Minh Việt, việc đưa vào vận hành liên hoàn trục giao thông Hải Phòng – Hạ Long, Hạ Long – Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái giúp anh chỉ mất hơn 3 giờ để di chuyển chuyển từ Hà Nội tới Móng Cái (tổng chiều dài hơn 280km).

Thế nhưng, trong khi cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có mật độ trạm dừng nghỉ có phần dày đặc thì chặng từ Quảng Ninh đi Móng Cái lại chưa có trạm dừng nghỉ hay trạm xăng nào, điều này khiến anh lo ngại và bất an.

"Cao tốc Quảng Ninh – Móng cái bất cập nhất là không có trạm dừng nghỉ, vì xe du lịch đi trong khoảng thời gian 1,5-2 giờ phải dừng nghỉ để khách đi vệ sinh và mình thư giãn một chút để đảm bảo sức khỏe đi tiếp hành trình và nếu xe có sự cố thì có chỗ đỗ để xử lý và tiếp nhiên liệu".

Phối cảnh chỗ dừng xe đoạn đi qua xã Quảng Long, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: VGP)

Được biết hơn 20 năm làm nghề có nhiều năm anh Chiều từng là lái xe tải ở khu vực ền Trung. Vốn thông thạo địa bàn nên anh và nhiều đồng nghiệp khác luôn phải chuẩn bị tiếp nhiên liệu hoặc giải quyết các nhu cầu cá nhân trước khi đi vào cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, bởi suốt chiều dài gần140km tuyến đường này cũng không có trạm dừng nghỉ.

Tuy nhiên, đối với cánh tài xế không chuyên ông Nguyễn Đình Hải, ở tỉnh Quảng Nam thì việc lưu thông vào ban đêm trên cao tốc này khiến ông rất lo ngại nếu có sự cố xảy ra.

"Trạm xăng dầu không có, trạm dừng nghỉ tự phát có nhưng không có điện đóm gì cả, tội nhất là xe khách nếu đi đến đó trời tối họ tấp vào rìa đó nghỉ tạm rất bất tiện. Cả hai bên đầu vào đầu ra đều không có trạm đổ xăng, đầu vào ở Đà Nẵng không có cây xăng nào gần đó cả, còn ở đầu ra Quảng Ngãi qua trạm thu phí mới có trạm xăng".

Làm sao để hấp dẫn nhà đầu tư vào làm trạm dừng nghỉ?

Việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào làm các trạm dịch vụ dừng nghỉ/trạm xăng vẫn luôn là bài toán khó, nhất là ở khu vực vùng sâu vùng xa. Từ nay đến năm 2030 ngành giao thông đang quyết tâm đầu tư, đưa vào vận hành 5.000km cao tốc.

Để hấp dẫn nhà đầu tư làm trạm dịch vụ đồng bộ khi xây dựng cao tốc cần phải thay thay đổi từ quy hoạch và cách làm thế nào?

PV VOVGT đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Đình Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam.

PV: Là đơn vị đang quản lý, vận hành nhiều tuyến cao tốc trên cả nước, ông có thể chia sẻ lý do tại sao nhiều tuyến cao tốc khó thu hút nhà đầu tư làm trạm dừng nghỉ?

Ông Bùi Đình Tuấn: Thứ nhất, hiện nay các tuyến cao tốc thường đi vào các vùng hẻo lánh, không kết nối với hệ thống đường địa phương, dẫn đến ngoài việc kinh doanh phục vụ các phương tiện tham gia giao thông trên cao tốc thì họ không kinh doanh ngoài được.

Thứ hai, các loại hình kinh doanh chủ yếu tập trung vào một số dịch vụ như: ăn uống, nhiên liệu và nghỉ ngơi ít thôi, chưa được như nước ngoài. Ví dụ tôi sang Nhật, ở các trạm dịch vụ ngoài việc kinh doanh ăn uống, nghỉ ngơi phục vụ hành khách họ còn kinh doanh các outlet như quần áo, giầy dép như một siêu thị, người dân ở đó có thể ra đó mua.

Phối cảnh trạm dừng nghỉ tại Km20+00 thuộc xã Thống Nhất thành phố Hạ Long (Ảnh: VGP)

Thứ ba, Tổng Công ty Đường cao tốc đều đã đầu tư hạ tầng rồi, như: hệ thống đường, bãi đỗ xe…nhà đầu tư sẽ làm trạm xăng, xây dựng nhà để kinh doanh. Nhưng để đầu tư hoàn chỉnh đúng theo quy hoạch, tạo được điểm nhấn ấn tượng thì tốn khá nhiều tiền, ảnh hưởng đến phương án tài chính của người ta.

Và cái nữa là thời gian hoàn vốn dài, thậm chí còn dài hơn vòng đời cao tốc mà công ty quản lý khai thác. Một bất cập nữa là Bộ GTVT quy định trong trạm dừng nghỉ có một số hạng mục free như toàn bộ khu vực vệ ính và chỗ đỗ xe. Tuy nhiên để vận hành một hệ thống nhà vệ sinh như vậy tốn khá nhiều tiền.

PV: Vậy, làm sao để hấp dẫn nhà đầu tư vào làm trạm dừng nghỉ, đảm bảo đồng bộ khi chúng ta xây dựng một loạt dự án cao tốc trong thời gian tới?

Ông Bùi Đình Tuấn: Bây giờ khác trước rất nhiều, nếu để nhà đầu tư được phép quy hoạch khu trạm dừng nghỉ đó thì họ sẽ kết hợp với nhiều loại hình khác, kêu gọi các tập đoàn bán lẻ vào xây dựng và kinh doanh cùng thì sẽ hiệu quả hơn và người ta lấy cái này bù trừ cho cái kia.

Quan trọng là phải tìm được nhà đầu tư có tiềm lực, đồng thời phải có chính sách ưu đãi cho các trạm dịch vụ ở khu vực xa xôi, lưu lượng giao thông thấp. Ví dụ như cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi kêu gọi mãi mà vẫn chưa được, ở đó lưu lượng xe thấp lắm.

Và ngay cả việc đấu giá, giá là bao nhiêu cũng chưa có cơ sở pháp lý.

Hiện nay khi lập dự án đầu tư hệ thống đường cao tốc, quy hoạch các trạm dịch vụ chỉ biết chỗ này dễ giải phóng mặt bằng, hoặc chỗ này có thể đặt được vì đảm bảo khoảng cách theo đúng yêu cầu, chúng ta chưa có biện chứng việc kinh doanh đó làm sao hiệu quả nhất thì chưa được tính đến nhiều.

Vì thế, phải xác định trạm dịch vụ không chỉ phục vụ cho hành khách mà phải kinh doanh được, có điểm nhấn trong việc thu hút kinh doanh các dịch vụ ngành nghề khác thì lúc đó các trạm dịch vụ mới hấp dẫn nhà đầu tư.

PV: Xin cảm ơn ông!