Lạm phát Mỹ hạ nhiệt, xu hướng tăng mới của giá hàng hóa nguyên liệu hình thành?

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực mua tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index đóng cửa hôm qua (13/07) tăng 1,24% lên 2.247 điểm, đánh dấu chuỗi tăng điểm 5 phiên liên tiếp, đưa chỉ số hàng hóa này lên mức cao nhất trong hơn 3 tuần trở lại đây.

Đáng chú ý, giá dầu thô và kim loại đồng loạt đón nhận lực mua tích cực, trong bối cảnh điều kiện vĩ mô hỗ trợ. Điều này đặt ra câu hỏi đối với thị trường, liệu giá hàng hoá nguyên liệu thế giới đã bước vào xu hướng tăng mới, sau giai đoạn gặp áp lực bởi tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu.

Giá kim loại nối dài đà tăng

Ngày hôm qua, Mỹ tiếp tục công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 6. Dữ liệu cho thấy chỉ số này chỉ tăng 0,1% so với tháng 5, thấp hơn so với kỳ vọng tăng 0,2% của giới chuyên gia và cũng là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 08/2020. PPI cũng tăng 0,1% trong tháng 6 so với năm ngoái, đây là mức tăng hàng năm nhỏ nhất trong gần 3 năm và thấp hơn so với mức tăng 0,4% mà giới chuyên gia dự báo.

Như vậy, cả hai thang đo là chỉ số PPI và CPI (công bố vào ngày trước đó) đều có mức tăng thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường, cho thấy lạm phát tại Mỹ đang có xu hướng hạ nhiệt.

Sau dữ liệu lạm phát, đồng USD suy yếu mạnh kéo chỉ số Dollar Index giảm 0,75%, ghi nhận phiên giảm thứ 6 liên tiếp và lần đầu tiên trượt khỏi mức điểm 100 kể từ đầu tháng 4/2022. Điều này khiến cho chi phí mua dầu bớt đắt đỏ hơn, thúc đẩy lực mua và hỗ trợ giá kim loại, năng lượng tăng mạnh.

Đóng cửa, thị trường kim loại nối dài đà khởi sắc mạnh mẽ từ phiên trước đó với giá bạch kim dẫn dắt đà xu hướng, tăng 2,8% lên 983,4 USD/ounce, mức cao nhất trong hơn 3 tuần. Giá bạc tăng 2,63%, đưa giá giao dịch lên 24,94 USD/ounce, cao nhất trong hơn 2 tháng trở lại đây.

Nhà đầu tư cũng dành nhiều sự quan tâm đến thị trường đồng, khi mặt hàng này chốt phiên tăng 2,26% lên cao nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây, sau gần 1 tháng diễn biến giằng co. Cùng với việc đồng USD sụt giảm làm tăng cơ hội giao dịch đồng, lực mua được củng cố trong bối cảnh lo ngại nguồn cung thu hẹp.

Chính phủ Peru, quốc gia khai thác đồng lớn thứ hai thế giới, đã ban hành tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày đối với các khu vực phía nam của Apurimac, Cusco và Arequipa, nơi có tuyến đường vận chuyển đồng quan trọng từ các mỏ trọng điểm của Peru.

Dầu thô tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Bên cạnh hỗ trợ từ yếu tố vĩ mô, lực đẩy nhờ yếu tố cung cầu đã giúp giá dầu kết thúc phiên giao dịch ngày 13/07 ghi nhận ngày tăng giá ngày thứ 3 liên tiếp, đưa giá dầu lên mức cao nhất kể từ ngày 25/4. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 1,5% lên 76,89 USD/thùng và dầu Brent chốt phiên tại mức giá 81,36 USD/thùng, cao hơn 1,56% so với phiên trước đó.

Báo cáo thị trường dầu thô tháng 7 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục cho thấy thị trường sẽ thâm hụt mạnh giai đoạn cuối năm nay và hỗ trợ giá dầu. Cụ thể, OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2023 sẽ cao hơn 2,44 triệu thùng/ngày so với năm 2022.

Con số này cao hơn 90.000 thùng/ngày so với báo cáo trong tháng 6, chủ yếu do nhu cầu của Trung Quốc được điều chỉnh tăng trong quý II. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc trong năm nay tiếp tục được dự báo sẽ tăng thêm 920.000 thùng/ngày, cao hơn mức 840.000 thùng/ngày trong báo cáo tháng 6.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo về nhiều yếu tố không chắc chắn, bao gồm cả xu hướng và tốc độ hoạt động kinh tế ở cả các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và không thuộc OECD.

Trong khi đó, tổng thể nguồn cung trong cả năm 2023 không có nhiều thay đổi so với báo cáo trước. Mặc dù vậy, sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC trong nửa cuối năm sẽ thắt chặt hơn với mức giảm lần lượt 0,3% trong quý III và 0,33% trong quý IV.

OPEC cũng dự báo thị trường sẽ cần trung bình khoảng 29,42 triệu thùng dầu/ngày từ nhóm nước này trong năm 2023, cao hơn 120.000 thùng/ngày so với báo cáo trước.

Ngoài ra, báo cáo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mặc dù giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ 0,2 triệu thùng/ngày trong năm nay so với báo cáo tháng 6, đồng thời tăng nhẹ dự báo sản lượng, nhưng nhìn chung vẫn cho thấy thị trường dầu thô sẽ thâm hụt khoảng 600.000 thùng/ngày trong năm nay.

Cũng theo IEA, tổng xuất khẩu dầu của Nga đã giảm 600.000 thùng/ngày (bpd) trong tháng 6, xuống còn 7,3 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong hơn 2 năm. Lo ngại xu hướng giảm sẽ tiếp tục sau khi Nga tuyên bố hạn chế xuất khẩu vào tháng 8 đã kéo giá dầu nối tiếp đà tăng.

MXV nhận đinh, mặc dù lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt đáng kể trong những tháng gần đây đang làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Chênh lệch lãi suất giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới thu hẹp lại sẽ khiến cho đồng USD yếu hơn và thúc đẩy giá hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng trong nhóm kim loại, và dầu thô trên nhóm năng lượng, do lợi thế về chi phí mua hàng.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, áp lực tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ còn nhiều rủi ro khi chi phí vay tiếp tục neo ở mức cao, và Fed chưa sớm cắt giảm lãi suất. Do đó, những khó khăn trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ còn tiềm ẩn, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức cầu và tác động mạnh đến xu hướng giá hàng hóa.