Làm gì khi xe mất kiểm soát?

Khi xe mất lái, bạn sẽ không có khả năng kiểm soát phương tiện, nó diễn ra vô cùng đột ngột và nhanh đến mức khiến người tài xế điều khiển phương tiện gần như không kịp phản ứng gì. Kể cả đến khi xảy ra tai nạn cũng không rõ lý do vì sao...

Có rất nhiều vụ TNGT mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc mất quyền kiểm soát xe

Thời gian vừa qua, có rất nhiều vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân gây ra là do những tài xế rơi vào tình trạng mất lái đột ngột dẫn đến mất kiểm soát xe và gây ra những vụ tai nạn thương tâm. Vậy nguyên nhân từ đâu dẫn đến việc xe bị mất lái và phải làm thế nào để có thể hạn chế tối thiểu khả năng dẫn đến tai nạn.

Anh Đinh Trung Hưng (34 tuổi, Hà Nội) – một lái xe lâu năm, dạn dày kinh nghiệm cũng từng rơi vào tình cảnh xe mất kiểm soát chia sẻ, khi xe mất lái, bạn sẽ không có khả năng kiểm soát phương tiện, nó diễn ra vô cùng đột ngột và nhanh đến mức khiến người tài xế điều khiển phương tiện gần như không kịp phản ứng gì. Kể cả đến khi xảy ra tai nạn cũng không rõ lý do vì sao.

Nếu nói về nguyên nhân khiến xe mất lái thì cũng nhiều, có cả khách quan lẫn chủ quan, lỗi có thể thuộc về người điều khiển do không làm chủ tốc độ, không làm chủ chân ga/phanh, vào cua ở tốc độ cao… hoặc cũng có thể lỗi kỹ thuật ở xe như nổ lốp, hỏng hóc chi tiết nào đó liên quan đến hệ thống lái bị kẹt cứng, hệ thống bánh xe chưa được cân bằng…, anh Hưng cho biết.

Tóm lại, để kiểm soát tốt mọi tình huống phát sinh, người điều khiển phương tiện nên rèn luyện cho bản thân một trạng thái tâm lý tốt nhất khi lái xe, luôn giữ cái đầu lạnh, đủ bình tĩnh để xử lý nhằm giảm thiểu phần nào thiệt hại về người và của.

Vậy phải làm gì để ứng phó trong tình huống xe bị mất lái? Thông qua những chia sẻ của các tài xế có kinh nghiệm, cần phải lưu ý một số nguyên tắc sau nếu gặp trường hợp ô tô mất kiểm soát bất ngờ.

Theo anh Hưng, việc đầu tiên cũng quan trọng nhất là người điều khiển phải giữ cho mình thật bình tĩnh, không được hoảng loạn khi thấy xe có hiện tượng văng khỏi đường. Hãy giữ chặt tay lái nhất có thể và không nên cố gắng đánh lái để đưa xe quay trở lại đường trong thời điểm đó. Song song với việc giữ chặt tay lái, hãy nhả chân ga hoàn toàn để xe từ từ di chuyển chậm lại (lưu ý, không nhấn mạnh chân phanh). Đến khi cảm nhận thấy xe chạy chậm lại và có thể bắt đầu kiểm soát được xe, hãy quan sát đường và bình tĩnh đưa xe về đúng làn đường, tìm chỗ đỗ xe một cách an toàn.

Nếu rơi vào trường hợp nguy hiểm nhất là khi đang ở khu vực có nhiều xe, khu đông dân cư hoặc đường cao tốc, hãy ngay lập tức phát tín hiệu cảnh báo bằng đèn, bấm còi liên tục để thu hút sự chú ý của những phương tiện khác. Còn di chuyển trong đêm, hãy bật đèn cảnh báo sự cố, nháy đèn pha/cốt liên tục để gây chú ý tới những phương tiện đang tham gia giao thông. Sau đó thực hiện các thao tác phanh, về số để dần lấy lại kiểm soát của xe. Dẫu vậy, người điều khiển phương tiện cũng cần phải sẵn sàng tâm lý cho việc xảy ra va chạm. 

Khi vào cua hãy giữ vững tay lái và giảm tốc độ

Chỉ được phanh gấp trong trường hợp mặt đường phía trước không trơn trượt, khô ráo, vắng xe… Còn nếu gặp môi trường ngược lại, lái xe hãy chủ động rà phanh (tuyệt đối không phanh gấp), đây có thể coi là cách tốt nhất để duy trì sự kiểm soát hướng di chuyển. Bởi lẽ, việc bánh xe bị khóa cứng sẽ khiến lực bám ngang của xe không còn, dẫn đến tình trạng xe sẽ bị văng đi. Lúc này, lái xe hãy về số thấp để phanh động cơ.

Nếu rơi vào trường hợp bị mất phanh, lái xe hãy gạt tay phanh, cố gắng đưa xe về số 1, lúc này xe sẽ có khả năng giảm tốc độ xuống mức chậm nhất. Không được đưa xe về số N, bởi cũng như khi xe đang lao xuống dốc và không có phanh thì tốc độ di chuyển sẽ rất lớn, nên nếu để xe ở số N sẽ khiến xe phóng với tốc độ lớn hơn. Ngay khi xe bắt đầu di chuyển chậm lái hãy từ từ đưa xe về đúng làn đường và tìm chỗ để tấp xe vào.

Bên cạnh đó, hạn chế những hư hỏng cho xe cũng là cách tốt để giảm thiểu việc xe bị mất kiểm soát. Do đó, hãy đưa xe đi kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hệ thống bánh lái cũng như những chi tiết linh kiện liên quan như vô lăng, rô tuyn lái, vòng bi, gioăng cao su… Đừng quên kiểm tra áp suất lốp xe thường xuyên, cũng như cân chỉnh góc đặt bánh xe cũng là điều nên làm.

Cuối cùng là về phía người điều khiển, hãy chú ý đến tốc độ khi tham gia giao thông, không lái xe với tốc độ cao, đặc biệt khi gặp phải thời tiết xấu như mưa gió hoặc địa hình trơn trượt cũng rất dễ xảy ra hiện tượng mất lái. Chú ý giảm tốc độ và vững tay lái khi đi qua những khúc cua gắt, luôn giữ khoảng cách an toàn đúng với khoảng cách quy định với các xe đang di chuyển cùng đường.