Kỳ vọng gì từ Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên?

Điều đầu tiên là yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự thay đổi hoàn toàn về hành vi con người, về mối quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất, phương thức sản xuất.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ 5, lãnh đạo Chính Phủ, các Bộ ngành, Diễn đàn Kinh tế thế giới và TP.HCM đã thực hiện nghi thức khánh thành và đưa Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động.

Đây là 1 sự kiện hết sức quan trọng trong công cuộc chuyển đổi và phát triển của nước ta nói chung, TP.HCM nói riêng. PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Phạm Phú Trường – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn hội nhập toàn cầu GIBC.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo TPHCM thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) đầu tiên của Việt Nam

PV: Xin chào ông Phạm Phú Trường, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên của Việt Nam?

Ông Phạm Phú Trường: Điều đầu tiên là yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự thay đổi hoàn toàn về hành vi con người, về mối quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất, phương thức sản xuất.

Thứ 2 là tính phức tạp và đặc biệt khó lường của cách mạng công nghiệp 4.0. có những thay đổi mà đôi khi chúng ta không nhận ra hoặc khó định hướng được xu hướng sẽ thế nào.

Từ những nhận định trên thì cách mạng công nghiệp 4.0 cần một nơi để quan tâm nhiều hơn đến nó thường xuyên hơn, đánh giá chính xác hơn để đưa ra những tham mưu phù hợp, kịp thời cho các bên liên quan, đặc biệt là Chính phủ, nhà quản lý và doanh nghiệp có những hành vi, phản ứng phù hợp hơn.

Cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu rất nhiều về công nghệ và công nghệ có sự liên kết với nhau theo một logic và hệ thống, nếu chúng ta không có 1 nơi để nhìn các công nghệ đó trọn vẹn thì chúng ta sẽ bị lệch. Ví dụ như 1 doanh nghiệp chỉ có công nghệ này mà thiếu công nghệ kia thì sẽ không phát huy hiệu quả kinh doanh.

Do vậy trung tâm này ở góc độ chiến lược, công nghệ thì rất cần cho TP.HCM. Bên cạnh đó khi kết hợp với mạng lưới của Diễn đàn kinh tế thế giới với các chuyên gia trên toàn cầu ở nhiều lĩnh vực chúng ta cần thì sẽ giúp chúng ta tận dụng được kinh nghiệm, góc nhìn của họ để có góc nhìn tốt hơn, qua đó giúp định hình các thứ tự ưu tiên về công nghệ cho Việt Nam và TP.HCM trong quá trình chuyển đổi công nghiệp.

PV: Trung tâm này nói riêng và TP.HCM nói chung sẽ phải đối mặt với những thách thức nào trong quá trình chuyển đổi công nghiệp?

Ông Phạm Phú Trường: Gần đây Chính phủ và TP.HCM đang rất tích cực đưa ra các định hướng, tìm thêm các để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong chuyển đổi công nghiệp trong đó có chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Đây là một giai đoạn rất quan trọng cho TP.HCM để giữ được vai trò dẫn đầu cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, có thêm sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Ông Phạm Phú Trường - Phó chủ tịch HĐQT công ty tư vấn hội nhập toàn cầu GIBC đại diện các doanh nghiệp sáng lập C4IR

Tại trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên của Việt Nam, các nhà sáng lập tham gia với tinh thần vừa kinh doanh vừa phụng sự. Có nghĩa là chúng tôi tập trung hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ hơn quá trình chuyển đổi công nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra cũng chỉ ra những công nghệ cần thiết có thể mang đến hiệu quả kinh doanh, tạo thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Sau đó lập kế hoạch chuyển đổi để làm sao tạo giá trị cho sản phẩm và có lợi nhuận trong tương lai.

Tuy nhiên, về mặt chiến lược thì việc đầu tư để chuyển đổi sẽ cần khoảng thời gian dài hạn hơn đồng thời phải đối diệ với những thách thức về môi trường và con người. Chúng tôi sẽ tham gia hỗ trợ thêm để trung tâm hoạt động toàn diện liên quan đến phát triển doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo yếu tố bảo vệ quyền lợi người lao động cũng như con người nói chung.

Chúng tôi sẽ dùng thời gian, nguồn nhân lực để hỗ trợ vận hành trung tâm đúng định hướng và mong đợi của các bên liên quan.

Đây là trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 thứ 2 tại Đông Nam Á và là trung tâm thứ 19 trên toàn thế giới.

PV: Vậy đâu là những chính sách cần thiết để doanh nghiệp có thể chuyển đổi công nghiệp thành công?

Ông Phạm Phú Trường: Hiện tại chúng ta đã có những chính sách, định hướng liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trong đó chuyển đổi số là nền tảng rất quan trọng để chuyển đổi công nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Do đó những chính sách liên quan đến tài chính, chính sách bảo vệ người lao động, chính sách hỗ trợ người lao động có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình phát triển năng lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…là rất cần thiết trong giai đoạn này để có thể hỗ trợ chuyển đổi công nghiệp thành công.

PV:Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!