Kinh tế TP.HCM khởi sắc sau đại dịch COVID-19

Từ tăng trưởng âm vì đại dịch COVID-19, qua 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế TP.HCM có những tín hiệu tích cực nhưng vẫn những thách thức cần khẩn trương tháo gỡ, khắc phục.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp

Sáng nay (29/6), UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022. Báo cáo tại cuộc họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai (Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM) cho biết tính chung 6 tháng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,46%).

Như vậy, từ mức giảm sâu ở quý III và IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, trong 6 tháng đầu năm, GRDP của Thành phố đã tăng 3,82%, quý II năm 2022 ước tăng 5,73%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định. Điều này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch.

Cụ thể, ở lĩnh vực thuế sản phẩm, trợ cấp sản phẩm tăng 2,03%, thương mại dịch vụ tăng 4,83%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,77%; công nghiệp xây dựng tăng 2,23%. Riêng trong tháng 6, ở lĩnh vực thương mại và dịch vụ đạt 99.657 tỉ đồng (tăng 41,1%) và 6 tháng đầu năm đạt 556.488 tỉ đồng (tăng 6,2%) so với cùng kỳ 2021.

Về thu ngân sách, 6 tháng đầu năm TPHCM thu hơn 238.648 tỉ đồng, đạt 61,74% dự toán năm và tăng 17,49% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa gần 170.000 tỉ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 68.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, TP.HCM giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Năm nay, thành phố được giao hơn 44.000 tỉ đồng vốn đầu tư công nhưng hiện thành phố mới giải ngân được hơn 5.900 tỉ đồng (chỉ đạt 17%).

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM tính chung 6 tháng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ.

Nói về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, bà Mai cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021 khiến việc tái khởi động thi công các dự án ở những tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định; chi phí đầu vào không ổn định và có xu hướng tăng…

Về nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, UBND TP.HCM đã đưa ra những nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm ngành; riêng với lĩnh vực đô thị, môi trường và giao thông, UBND Thành phố cho biết sẽ tiếp tục rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.

Thành phố cũng sẽ sớm ban hành và triển khai thực hiện chương trình phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021 – 2030, theo dõi đôn đốc UBND các quận đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời các chung cư cấp D trên địa bàn. Đồng thời, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thành 06 chung cư cũ.