Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi do Bộ Tài chính soạn thảo gồm 7 chương, 168 điều, gồm: những quy định chung; Hợp đồng bảo hiểm; Doanh nghiệp tái bảo hiểm; Đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; Quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm... So với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, dự thảo sửa đổi 80 Điều, bổ sung 66 Điều, bãi bỏ 29 Điều và giữ nguyên 22 Điều.
Cụ thể, nhóm các điều sửa đổi (80 Điều), bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm, Doanh nghiệp bảo hiểm, về đại lý, môi giới bảo hiểm, về quản lý nhà nước...
Có 66 Điều bổ sung, bao gồm những quy định về các nguyên tắc giao kết hợp đồng bảo hiểm, cung cấp thông tin, bảo hiểm tạm thời, về người thụ hưởng, phòng chống gian lận bảo hiểm, giải quyết tranh chấp, về quản trị rủi ro và các quy định đi kèm...
Đáng chú ý, dự thảo Luật quy định, khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại chi phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Về quy định thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm, dự thảo Luật quy khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm hoặc tăng số tiền bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.
Để đề phòng, hạn chế tổn thất, dự thảo Luật quy định bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm đề phòng, hạn chế tổn thất, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục tổn thất; thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Về giải pháp phòng chống gian lận bảo hiểm, Dự thảo Luật quy định: Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, giảm thiểu các hành vi gian lận bảo hiểm.
Về hình thức giải quyết tranh chấp, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi quy định: tranh chấp giữa các bên có thể được giải quyết bằng một trong các hình thức: Thương lượng giữa các bên; Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải; Giải quyết tại trọng tài hoặc toà án.
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã được Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội liên quan và gửi ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Hiện dự thảo Luật đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra, trước khi trình ra Quốc hội xem xét.
CHƯA THEO KỊP THÔNG LỆ QUỐC TẾ
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có những điểm gì mới đáng chú ý, có giải quyết triệt để những bất cập, vướng mắc nảy sinh khi triển khai hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam?
Phóng viên VOVGT có cuộc phỏng vấn ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính - đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm:
PV: Thưa ông, vì sao Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm?
Ông Ngô Việt Trung: Thứ nhất, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã không còn thống nhất, đồng bộ với những quy định đã được sửa đổi, bổ sung tại một số Luật khác, ví dụ Bộ Luật dân sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Thứ hai, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành phần lớn quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, nên khi xử lý những vấn đề phát sinh không đầy đủ những quy định, ví dụ quy định xử lý những vấn đề khó khăn về mặt tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm; những quy định về liên kết giữa các cơ quan quản lý khi triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ...
Thứ 3, các chính sách đối với doanh nghiệp bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp thông lệ quốc tế, như quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố, điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Mô hình quản lý, giám sát tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành cũng chưa có những quy định về quản trị rủi ro đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.
PV: Xin ông cho biết những chính sách mới được đề xuất tại dự thảo Luật này?
Ông Ngô Việt Trung: Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã cụ thể hóa 7 nhóm chính sách như sau: Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về mô hình tổ chức, điều kiện thành lập, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm.
Thứ 2, nhóm chính sách về mô hình quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Thứ 3, về hợp đồng bảo hiểm. Thứ 4, nhóm chính sách về khuyến khích sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuẩn hóa các hoạt động và giao dịch bảo hiểm trên môi trường mạng, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm.
PV: Ban soạn thảo kỳ vọng gì vào dự luật sửa đổi lần này?
Ông Ngô Việt Trung: Việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm là thực sự cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển KT-XH nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng.
Thứ 2 là sẽ đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan và yêu cầu mới phát sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cải cách mạnh mẽ thể chế, vừa đáp ứng được yêu cầu hội nhập, tạo nền tảng để Việt Nam có thể trở thành thị trường bảo hiểm phát triển của khu vực châu Á.
PV: Xin cảm ơn ông.
NGƯỜI MUA BỊ LÀM KHÓ?
Việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi sẽ góp phần khắc phục những bất cập, thiếu thống nhất trong chính sách phát triển thị trường bảo hiểm như thế nào, góp phần nh bạch hoá thị trường bảo hiểm ra sao?
PV VOV Giao thông trao đổi với ông Bùi Thanh Tùng, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về nội dung này:
PV: Ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi?
Ông Bùi Thanh Tùng: Luật Kinh doanh Bảo hiểm đã ra đời cách đây 20 năm, mặc dù đã 2 lần sửa đổi, tuy nhiên cũng đã có một số những tồn tại, bất cập.
Thứ nhất ,với sự phát triển rất mạnh của thị trường bảo hiểm và nhiều quy định liên quan đã thay đổi.
Thứ hai, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với thông lệ quốc tế, ví dụ như phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố hay điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài để kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam còn rất hạn chế....
Đấy là những lý do để sửa Luật Kinh doanh Bảo hiểm.
PV: Theo ông, với những quy định đặt ra tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó chưa?
Ông Bùi Thanh Tùng: Dự thảo Luật đã tập trung vào 7 nhóm chính sách, cũng quét tương đối đày đủ để giải quyết những tồn tại. Chẳng hạn, đã có thêm lần này đã có thêm một nhóm đối tượng bảo hiểm vi mô – đó là loại hình bảo hiểm rất mới hiện nay. Hay nội dung liên quan đến quản lý doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thì dự thảo luật đã mở rộng đối tượng là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài...
Những sửa đổi bổ sung lần này cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thị trường hiện nay.
PV: Một trong những vấn đề dư luận quan tâm thời gian qua là việc xử lý các trường hợp đơn phương, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Theo ông, các quy định đặt ra tại dự thảo đã giải quyết được mâu thuẫn này chưa?
Ông Bùi Thanh Tùng: Các quy định liên quan đến hợp đồng bảo hiểm trong Luật hiện hành đã có, tuy nhiên, tại dự thảo lần này đã được cụ thể hóa hơn và quy đinh rất rõ trong trường hợp nào từng bên được đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Khi các điều kiện rõ hơn thì việc giải quyết mâu thuẫn giữa các bên sẽ dễ dàng hơn.
Đặc biệt dự thảo lần này có thêm mục về đề phòng, hạn chế tổn thất, hạn chế gian lận và giải quyết tranh chấp. Với cách tiếp cận như thế cũng sẽ giải quyết được những mâu thuẫn, xử lý những tranh chấp đối với việc đơn phương hủy bỏ, vô hiệu hóa hoặc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.
PV: Một số ý kiến cho rằng một số quy định như tại dự thảo đang làm khó bên mua bảo hiểm. Chẳng hạn quy định khi hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực tính từ thời điểm giao kết và doanh nghiệp phải hoàn trả chi phí cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ những chi phí hợp lý theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp này dường như bên mua bảo hiểm bị yếu thế. Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Bùi Thanh Tùng: Khi đọc dự thảo lần này tôi thấy không chỉ nội dung đó, mà còn một số nội dung khác đưa ra các quy định chưa phù hợp với quyền lợi, nghĩa vụ của các bên, nhất là bên mua bảo hiểm khi thực hiện các giao dịch dân sự đã được quy định tại Bộ Luật dân sự năm 2015.
Tôi cho rằng các ý kiến được nêu rất xác đáng và chắc chắn Ban soạn thảo và các cơ quan thẩm tra cũng tiếp tục sẽ phải nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung hoặc làm rõ hơn nội dung này.
PV: Nếu dự thảo Luật được thông qua, theo ông sẽ có những tác động xã hội như thế nào?
Ông Bùi Thanh Tùng: Dự thảo Luật lần này nếu được thông qua sẽ có những tác động rất cụ thể. Trước hết sẽ tiếp cận thông lệ thị trường bảo hiểm quốc tế và sẽ mở rộng được thị trường này ở 2 khía cạnh: Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được tham gia thị trường Việt Nam, tạo ra lựa chọn phong phú hơn cho những người muốn tham gia bảo hiểm.
Khi hoạt động này được tạo điều kiện thì chắc chắn việc chăm sóc với người dân cũng sẽ đạt chất lượng tốt hơn. Và cũng có những hành lang pháp lý để quản lý tốt hơn hoạt động này.
PV: Xin cảm ơn ông.
Sau 20 năm thực hiện, nhiều quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Đặc biệt, trong khi thị trường đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, nhưng các quy định vẫn chưa theo kịp thực tế. Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi là rất cấp thiết.
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đang hướng đến tạo cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề này.
Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này. Nếu được ban hành, dự luật mới về kinh doanh bảo hiểm sẽ tạo sự thay đổi như thế nào về phát triển thị trường bảo hiểm?
Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
----
Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 15h30 đến 15h50, thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, vovgiaothong.vov.vn hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google Podcast.