Kích cầu du lịch nội địa: “Bài toán” tổ chức và chia sẻ lợi ích

Năm 2024, bên cạnh mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế, ngành du lịch cũng kỳ vọng phục vụ 110 triệu khách nội địa. Tuy nhiên, giá vé máy bay tăng cao đang là rào cản lớn, bởi chi phí di chuyển bằng đường hàng không có thể chiếm tới 50% giá tour.

Trong tương lai, nhiều biến động khác có thể xảy ra, ảnh hưởng mục tiêu kích cầu du lịch nội địa. Do đó, cần sớm cải thiện mối liên kết trong chuỗi giá trị du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Việt Nam có hơn 3.200km đường bờ biển và vô số di tích, danh thắng lọt vào tốp đầu của nhiều bảng xếp hạng du lịch thế giới. Tiềm năng là rất lớn nhưng sản phẩm du lịch thiếu hấp dẫn, tư duy làm ăn chụp giật là những nguyên nhân khiến nhiều du khách “một đi không trở lại”.

Bất cập cũ cộng với thách thức mới khiến ngành du lịch đối mặt nhiều âu lo trước mùa cao điểm hè. Trong bối cảnh giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, dễ hiểu khi nhiều người chọn tour nước ngoài, không chỉ vì tâm lý sính ngoại mà bản chất của du lịch là khám phá những ền đất mới.

Ngành dịch vụ đáng ra “hút” tiền cho nền kinh tế thì dòng tiền lại chảy sang nước ngoài, kéo theo nhiều ảnh hưởng từ công ty lữ hành, vận tải, đến cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí,…

Do đó, để giữ chân khách Việt, tạo sức cạnh tranh cho du lịch nội địa, các bên trong chuỗi giá trị du lịch cần “ngồi lại” với nhau, cùng nhìn về một hướng, cùng nghĩ tới lợi ích lâu dài.

Sản phẩm du lịch thiếu hấp dẫn, tư duy làm ăn chụp giật là những nguyên nhân khiến nhiều du khách “một đi không trở lại” (Ảnh nh họa: Alamy Stock Photo)

Địa điểm ăn uống, vui chơi - cơ sở lưu trú - và vận tải, đặc biệt là hàng không, là ba trụ cột quyết định sự phát triển của du lịch. Chi phí cho hàng không phù hợp mới kích thích người dân đi chơi. Điểm đến hấp dẫn, chất lượng tốt mới kéo nhiều khách du lịch tới.

Khi thu nhập của các bên tăng dần thì có thể chia sẻ một phần lợi nhuận để bù đắp chi phí cho hàng không, để các hãng có thể mạnh dạn giảm giá vé, tạo ra một vòng mới kích thích người dân đi du lịch.

Cách thức tổ chức và cơ chế chia sẻ lợi ích là điểm mấu chốt, nhưng khi các bên chưa biết cách tổ chức, chưa biết cách chia sẻ thì lúc này cần vai trò “nhạc trưởng” của các cơ quan quản lý.

Với khó khăn trước mắt của ngành hàng không, nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ về thuế, phí, nhất là dịch vụ mặt đất; cùng với đó là ổn định thị trường xăng dầu để “hạ nhiệt” giá vé máy bay. Tương lai, cần cơ cấu lại ngành hàng không, có cơ chế thuận lợi cho việc ra đời nhiều hãng hàng không mới, tăng số lượng máy bay, tăng tính cạnh tranh để người dùng được hưởng lợi.

Đây là giải pháp cần được nhấn mạnh bởi hàng không và du lịch được ví như đôi cánh chim, chỉ có thể cất cánh nếu cả hai tìm được tiếng nói chung. Đơn cử Phú Quốc - điểm du lịch mà hàng không là đường tiếp cận chính, lượng khách đã giảm đến 40 - 50% trong năm 2023 khi giá vé máy bay tăng cao.

Về lâu dài, vai trò của nhà nước cũng cần được thể hiện ở nhiều góc độ khác. Theo PGS. TS. Nguyễn Viết Thái, cơ sở hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng được quan tâm đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, trong đó có du lịch.

Người dân có thể tự lái xe khám phá nhiều điểm đến với đường bộ tốc độ cao, và nếu tiếp tục đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam với chỉ vài giờ di chuyển thì họ sẽ có nhiều lựa chọn, hạn chế tác động tiêu cực khi một phương thức gặp biến cố.

Đa dạng hóa phương thức di chuyển với thời gian nhanh chóng và chi phí phù hợp còn giúp các tổ chức, cá nhân lên kế hoạch du lịch thường xuyên hơn thay vì chỉ mỗi năm một lần.

Chính sách đặc biệt về thuế, phí cũng có thể là “cú hích” cho ngành du lịch phát triển. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực, điển hình là Thái Lan, lợi nhuận từ ngành thương mại (dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí,…) có thể bù đắp ngân sách khi giảm thuế, phí cho các hãng hàng không, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn,…

Các địa phương cần mạnh tay xử lý triệt để tình trạng “chặt chém”, ngăn chặn tư duy làm ăn chụp giật ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch mà nhiều cá nhân, tổ chức đang dày công xây dựng (Ảnh nh họa: TTXVN)

Bên cạnh vai trò của nhà nước, sự điều phối chung của cơ quan quản lý du lịch quốc gia, thì các địa phương và doanh nghiệp cũng cần thể hiện vai trò trong việc kích cầu du lịch nội địa. Với địa phương, cần quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và liên tục làm mới bằng cách thuê các đơn vị chuyên nghiệp để thiết kế, tạo ra những sản phẩm chất lượng.

Và không thể “mạnh ai nấy làm”, các địa phương trong cùng một vùng cần có sự liên kết để đánh giá tiềm năng, phát huy thế mạnh và tăng sức cạnh tranh - kinh nghiệm đã được Trung Quốc thực hiện rất thành công với những cụm điểm đến nổi tiếng. Có như vậy mới thu hút du khách quay trở lại trong bối cảnh họ luôn có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau.

Việc liên kết cũng cần được thể hiện giữa địa phương với ngành vận tải để tạo ra nhiều tour tuyến mới lạ, độc đáo, tăng trải nghiệm cho du khách.

Ví dụ như đường bộ hay đường sắt, những sản phẩm du lịch được đầu tư sẽ khiến du khách thích thú ngay từ hành trình di chuyển: được ngắm nhìn cảnh đẹp bên đường, hay được chào đón, check-in, thưởng thức ẩm thực,… ở những nhà ga, địa điểm dừng chân.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần xử lý triệt để tình trạng “chặt chém”, ngăn chặn tư duy làm ăn chụp giật ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch mà nhiều cá nhân, tổ chức đang dày công xây dựng.

Với doanh nghiệp, chia sẻ lợi ích và cam kết thực hiện lâu dài là yêu cầu cần được nhắc lại để cùng nhau phát triển hoặc cùng nhau vượt qua khó khăn.

Ví dụ như với việc giảm giá tour, các doanh nghiệp lữ hành có thể bù đắp lợi nhuận từ phía nhà hàng, khách sạn - nơi họ mang du khách đến. “Nhẹ gầu mau tát” (ý chỉ lãi ít nhưng số lượng nhiều) sẽ luôn là châm ngôn cho những người làm dịch vụ.

Qua biến cố lớn như đại dịch Covid-19, có thể thấy du lịch nội địa sẽ là điểm tựa cho sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch. Do đó, nguồn lực này cần phải được chăm chút trong từng khâu của chuỗi giá trị du lịch, từ đó tạo đà tăng trưởng cho cả nền kinh tế./.