Không thể để hàng hóa ách tắc do địa phương tự ban hành thêm các quy định

Trước tình trạng ách tắc hàng hóa tại Cần Thơ do phải đăng ký trước với Sở Công thương, phải trung chuyển hàng hóa hoặc đổi tài xế, Bộ GTVT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, không tự ý ban hành thêm các quy định.

Tuy nhiên, không riêng Cần Thơ, mà nhiều tỉnh thành siết chặt các biện pháp chống dịch, tình trạng này cũng đang diễn ra.

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với ông Đinh Xuân Thảo, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Cửa ngõ TP.Cần Thơ ùn tắc do các tài xế phải chờ đợi được giải quyết thủ tục để được đi vào TP

PV: Thưa ông, thực tế có một số địa phương đề ra những biện pháp, những quy định trái với chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành về việc lưu thông hàng hóa. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Đinh Xuân Thảo: Như thế là không nên, mà cần thực hiện thống nhất theo hướng dẫn, chỉ đạo từ Trung ương đến từng địa phương.

Lái xe người ta đã được đi luồng xanh chẳng hạn, đã được kiểm tra sức khỏe, đã được xét nghiệm, thậm chí đã được tiêm chủng rồi, và người ta ngồi trên xe thì phải để cho người ta đi, chứ sao lại nói không được đi hoặc phải để cho lái xe của địa phương đi mới được.

PV: Để tránh những trường hợp tương tự, theo ông cần lưu ý điều gì?

Ông Đinh Xuân Thảo: Ở địa phương, chỉ đạo chung của phòng chống dịch bệnh trách nhiệm là Bí thư, rồi Chủ tịch, các tỉnh uỷ, Thành ủy.

Không phải quy định chế tài, nhưng rõ ràng anh cản trở  như thế thì ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống dân sinh, hay phục vụ phát triển sản xuất, nhất là bảo đảm đời sống của người dân một cách bình thường, ổn định. Phải một yêu cầu thực hiện một cách nghiêm túc, thống nhất chứ không phải là khuyến nghị, nên hay không nên nữa.

Theo tôi phải chỉ đạo, phải thực hiện cho bằng được. Bây giờ tốt nhất nên có một văn bản, có thể là thông báo của Văn phòng Chính phủ về ý kiến của Thủ tướng trong chỉ đạo cụ thể để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, về lĩnh vực GTVT lưu thông trên đường bộ thì tất cả các địa phương đều phải thống nhất thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông.

Đồng tình với chỉ đạo của Chính phủ về việc tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông phục vụ đời sống và sản xuất, tuy nhiên trên góc nhìn chia sẻ với áp lực của các địa phương nơi dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Đoàn Đồng Tháp cho rằng, cần có sự thấu hiểu và chia sẻ của các doanh nghiệp, tài xế để cùng địa phương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình lưu thông hàng hóa:

 “Phía Nam hiện nay dịch hoành hành rất cao, nên chính quyền địa phương rất lo, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, thậm chí có nơi 16+, cho nên dẫn đến việc lưu thông phương tiện chuyên chở lương thực thực phẩm, hàng hóa nhu yếu phẩm đúng là khó khăn thật!

Tuy nhiên chúng ta cũng cần có sự trợ giúp trợ lực, hiểu biết lẫn nhau để di chuyển được. Cho nên tôi nghĩ, các phương tiện giao thông muốn di chuyển phải theo quy định cụ thể rạch ròi. Không có các điều kiện theo quy định thì địa phương không cho đi là điều tất yếu.

Cánh tài xế không muốn test vì sợ tốn tiền, chứ không phải là mỗi địa phương làm một kiểu. Nhưng quan trọng là địa phương kiểm soát chặt mà không nhũng nhiều phiền hà, đó mới là cốt lõi".