Không thể chỉ phó mặc cho cộng đồng

Sự phối hợp giữa lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục điều trị và gia đình còn khá lỏng lẻo, điều này khiến người nghiện dễ dàng tái nghiện thậm chí nghiện nặng hơn.

Ảnh nh họa: Hà Nội mới

Ma túy đá (ma túy tổng hợp) đã đang và sẽ là một trong những chất gây nghiện nguy hiểm bậc nhất cho sức khỏe con người cũng như xã hội. Không chỉ trực tiếp gây hủy hoại sức khỏe, tinh thần, trí tuệ của người nghiện mà còn khiến bao nhiêu gia đình khốn đốn, tiêu tan.

Dù chưa có bất kỳ một con số thống kê thiệt hại cụ thể nào về kinh tế song thông tin về những vụ thảm án rúng động thời gian qua cũng đủ sức khiến dư luận bàng hoàng, xã hội hoang mang.

Cũng như ma túy truyền thống, sử dụng ma túy đá bước đầu như 1 cách thể hiện sự sành điệu, đẳng cấp của người dùng, nhất là các bạn trẻ. Tuy được bao biện về việc không gây nghiện, song trên thực tế ma túy đá kích thích rất mạnh lên hệ thần kinh trung ương khiến người nghiện dễ dàng thăng hoa, nhanh chóng tiến đến trạng thái ảo giác, hoang tưởng, không làm chủ được bản thân, hành động mất kiểm soát trong vô thức, từ đó gây ra nhiều vụ thảm án có tính chất dã man, tàn bạo, mất nhân tính.

Điều đáng lo là không có nhiều biểu hiện cụ thể để nhận biết được dấu hiệu tội phạm của người nghiện ma túy tổng hợp (còn gọi là ngáo đá). Những đối tượng này diễn biến tâm thần âm thầm, không có biểu hiện bất thường rõ rệt, song đến khi phát tiết gây án thì hậu quả lại vô cùng khủng khiếp.

Tội phạm ngáo đá phức tạp và nguy hiểm là vậy song công tác giám sát, quản lý đối với các đối tượng này chưa mang lại hiệu quả cụ thể. Sự phối hợp giữa lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục điều trị và gia đình còn khá lỏng lẻo, điều này khiến người nghiện dễ dàng tái nghiện thậm chí nghiện nặng hơn.

Bên cạnh đó, việc chưa có hành lang pháp lý chặt chẽ; phải đảm bảo quyền hòa nhập cộng đồng của người nghiện hay thiếu nhân sự chuyên trách... cũng khiến công tác quản lý, giám sát người nghiện ma túy tổng hợp dường như bị “thả nổi”

Từ thực tế nêu trên cho thấy cần sớm có một cơ quan chuyên trách để quản lý và giám sát đối với nhóm đối tượng nghiện ma túy tổng hợp. Bên cạnh việc lập danh sách, quản lý, giám sát thông thường, đơn vị này cần được phân quyền để xử lý nhanh khi xảy ra tình huống khẩn cấp như trấn áp, cách ly đối tượng khi có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác để tránh gây ra hậu quả đau lòng cũng như có thẩm quyền đưa các đối tượng này vào các trung tâm điều trị, trại cai nghiện.

Vẫn biết sẽ không dễ dàng tìm ra lời giải cho bài toán quản lý, giám sát người nghiện ma túy đá, nhưng nếu cứ tiếp tục “ngại khó, ngại khổ” thì không khác gì đang tạo điều cho những chiếc “máy chém vô tri” tung hoành ngang dọc, để rồi khiến dư luận xã hội cứ mãi “thấp thỏm, lo âu”.