Không chủ quan với HIV: 'Làn sóng ngầm' trong các khu công nghiệp

Phòng dịch COVID-19, nhưng không được chủ quan trước dịch HIV. Đó là khuyến cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) trong bối cảnh nước ta đang hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch thế kỷ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Phòng dịch Covid-19, nhưng không được chủ quan trước dịch HIV. Đó là khuyến cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) trong bối cảnh nước ta đang hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch thế kỷ. Trong các nhóm đối tượng nguy cơ cao, thì nhóm công nhân đang nổi lên trong thời gian gần đây, nhất là tại các địa phương tập trung nhiều cảng biển, khu công nghiệp.

Nguyễn Thế An, 20 tuổi, là công nhân tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Cách đây nửa năm, sau khi bạn tình MSM (nam quan hệ đồng giới) thông báo bị mắc HIV, An đã tự mình đi xét nghiệm và phát hiện bệnh: “Có lúc em sử dụng bao cao su, có lúc không. Nhưng em không ngờ bạn đó có HIV, đi xét nghiệm em mới biết mình cũng bị”

Trong khi đó, chị Lý Thị Hoa, 28 tuổi, làm việc cho một công ty nước ngoài tại thành phố Thuận An cho biết: Bản thân chị không rõ mắc HIV từ đâu. Chỉ tới khi đi sinh con, thử máu nhiều lần, chị mới biết tình trạng bệnh.

Dù được tư vấn và điều trị khả quan, giảm tải lượng virus xuống ngưỡng không phát hiện (K=K), tức không có khả năng lây nhiễm cho người khác, song chị Hoa vẫn rất cẩn thận về thông tin cá nhân, vì sợ bị kỳ thị.

Nhiều khi mình sợ là mình đi cắt tóc, làm móng hay tiếp xúc với người bệnh, lúc trước khi có bầu thì mình cũng không biết được. Nếu 2 vợ chồng cùng ăn chơi thì có khi còn biết, chứ mình không rõ lây từ đâu

Cả hai trường hợp vừa nêu đều tự phát hiện hoặc tình cờ biết bị nhiễm HIV. Hệ thống khám chữa bệnh nội bộ trong các khu công nghiệp hầu như không phát hiện được ca và cập nhật vào thống kê quản lý người nhiễm HIV tại địa phương.

Bác sĩ chuyên khoa I Vương Thế Linh – Phụ trách khoa HIV, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương cho biết, Bình Dương có hơn 2 triệu dân thì một nửa là người nhập cư, trong đó đa số là công nhân các tỉnh, thành khác đổ về. Đây là đối tượng rất khó kiểm soát về đường lây truyền qua quan hệ tình dục, mẹ sang con, do tính di biến động cộng với tâm lý giấu bệnh, sợ bị đuổi việc nếu lộ thông tin. 

Bình Dương có 28 khu công nghiệp, mỗi khu có vài trăm công ty, xí nghiệp. Và trong khoảng 1 triệu dân nhập cư, có 80% là công nhân, trong đó 80% là lao động nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ.

Theo bác sĩ Linh, trong số 542 ca dương tính HIV mới 8 tháng đầu năm 2020 ở Bình Dương, chỉ có 98 ca là người bản địa, còn lại là người nhập cư. Việc truyền thông phòng chống HIV trong các khu công nghiệp trên địa bàn rất khó khăn: “Sinh hoạt chuyên đề về sức khỏe, trong đó mình sẽ tác động HIV vào một chút. Nhưng là tổ chức ban đêm ở các khu tập trung nhiều công nhân ở, chứ không vào trong khu công nghiệp được”

Đồng quan điểm, bác sĩ Đặng Văn Ngọc – chuyên trách chương trình phòng chống HIV/AIDS thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đây là địa bàn trọng điểm về HIV với khoảng 20.000 lao động nhập cư trong 5 khu công nghiệp, 1 cảng biển, 1 bãi rác tập trung. Việc tiếp cận với nhóm đối tượng nguy cơ cao này gặp nhiều rào cản, khi chỉ một số công ty nhỏ mới sẵn sàng hợp tác với nhân viên y tế để tuyên truyền tới công nhân.

Giải pháp của Trung tâm y tế Phú Mỹ là dựa vào các dự án, hội nhóm cộng đồng, đồng đẳng viên, cộng tác viên để tiếp cận các nhóm ngoài không gian các khu công nghiệp, đặc biệt là đối tượng công nhân MSM trên không gian mạng.

Mình đi theo chiến dịch mưa dầm thấm đất. Đa số người đó họ sử dụng mạng hẹn hò. 1, 2 người thì có thể không, nhưng 5, 7 người cùng nói về nội dung, mục đích thì bản thân họ sẽ thay đổi cách suy nghĩ”

Việc phát hiện, tìm ca đã gặp khó, để quản lý, thuyết phục bệnh nhân duy trì điều trị ARV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cũng không dễ dàng, khi các khu công nghiệp đổi mới nhân viên từng ngày, tính biến động nhân khẩu trên địa bàn rất cao.

Do vậy, các giải pháp, chương trình phòng chống HIV/AIDS cũng đang tập trung truyền thông mạnh đến nhóm công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, cũng như chính ban quản lý, bộ phận y tế tại các khu công nghiệp. Mục tiêu nhằm xóa khoảng trống thông tin dịch tễ, mất dấu các ca HIV ẩn tại địa bàn này.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: